Thứ 6, 04/04/2025, 12:3

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực, nòng cốt trong nền kinh tế

09:10, 30/10/2017

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến vừa ký ban hành Chương trình hành động số 47 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW, ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc "phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến vừa ký ban hành Chương trình hành động số 47 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW, ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo đó, đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh cả về số lượng, quy mô, chất lượng lẫn hiệu quả cạnh tranh… góp phần đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững.
 
Đánh giá về kinh tế tư nhân trong thời gian qua, Tỉnh ủy nhận định, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng, chất lượng; đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 1 điểm phần trăm tăng trưởng trong vòng 5 năm qua. 
 
Lụa tơ tằm Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Lụa tơ tằm Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Đóng góp 30% ngân sách 
 
Theo thống kê sơ bộ, số lượng doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân tăng theo từng năm và nếu như năm 2013 toàn tỉnh mới có 3.973 doanh nghiệp, năm 2014 tăng lên 4.693 doanh nghiệp, năm 2015 là 5.799 doanh nghiệp thì đến cuối năm 2016 đã lên tới 6.447 doanh nghiệp. Nghĩa là, chỉ trong vòng 4 năm, số doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tăng gần gấp đôi. Với lực lượng doanh nghiệp nêu trên, theo đánh giá của Tỉnh ủy “đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội”.
 
Có thể dẫn chiếu điều này qua một vài chỉ số tương đối ấn tượng, đó là tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm từ khu vực kinh tế tư nhân chiếm gần 30% số thu ngân sách, tỷ trọng vốn chiếm 28% so với tổng đầu tư toàn xã hội. 
 
Còn về mặt giải quyết, tạo việc làm cho người lao động chiếm tới 73,9% so với toàn bộ các thành phần kinh tế trong nền kinh tế tỉnh. Để có được động lực phát triển khối kinh tế tư nhân những năm qua, các chính sách đối với khu vực này thường xuyên được cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn về mặt quản lý nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi từ phía doanh nghiệp mà tỉnh đã thực hiện. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng ngày càng đơn giản, rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. 
 
Để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế  
 
Mục tiêu phấn đấu:
 
- Đến năm 2020, toàn tỉnh có 10 ngàn doanh nghiệp.
- Đến năm 2025, có 15 ngàn doanh nghiệp.
- Năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân có 30 ngàn doanh nghiệp; trong đó 10% có năng lực cạnh tranh tốt, đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh. 
- Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
- Tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP cao hơn bình quân chung cả nước từ 5 - 10%, chiếm 35 - 40% tổng đầu tư toàn xã hội và tăng khoảng 4 - 5% mỗi năm đóng góp vào ngân sách từ nay đến năm 2025.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể khu vực kinh tế tư nhân trong thời điểm hiện tại dễ dàng nhận ra các mặt hạn chế lớn của các doanh nghiệp đang gặp phải kể cả quy mô lẫn chất lượng doanh nghiệp. Đó là sản xuất kinh doanh còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế cá thể. Trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp, năng lực tài chính, sức cạnh tranh chưa cao; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý và thiếu liên kết với thành phần kinh tế khác nên khả năng hội nhập thấp và chưa đáp ứng tốt yêu cầu chuỗi giá trị sản xuất trong nền kinh tế thị trường… Nhận diện các mặt yếu kém để có những giải pháp sát thực nhằm đạt mục tiêu trong dài hạn mà tỉnh đặt ra để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực quan trọng của nền kinh tế” và là “bộ phận nòng cốt” trong quá trình phát triển nền kinh tế Lâm Đồng vừa mang tính độc lập vừa tự chủ cao. Qua đó, Lâm Đồng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng, quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp, hoạt động hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao, nhất là phát triển lành mạnh, bền vững góp phần “đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”. 

 
Để thực hiện những mục tiêu trên, cần có môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên tinh thần “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vạch ra. Tựu trung, theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Lâm Đồng phải triển khai tốt các chính sách liên quan, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy thế mạnh và tiềm năng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đi đôi với việc kịp thời ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển khu vực này. Đồng thời, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp của cán bộ công chức, viên chức; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm hoạt động kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân. 
 
Nếu các giải pháp trên được tiến hành một cách đồng bộ, hiệu quả, kinh tế tư nhân mới thực sự trở thành “động lực”, “nòng cốt” trong phát triển nền kinh tế Lâm Đồng.
 
HỒ XUÂN TRUNG