CN, 13/04/2025, 10:10

Chè Việt và thị trường xuất khẩu

09:11, 22/11/2017

Xuất phát từ lợi ích, uống chè tốt cho sức khỏe nên nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng. Từ đó, có tác động tích cực đến việc sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.  

Xuất phát từ lợi ích, uống chè tốt cho sức khỏe nên nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng. Từ đó, có tác động tích cực đến việc sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.  
 
Ngoài chất lượng, sản phẩm chè rất cần đến thương hiệu và mẫu mã (Trà B’Blao). Ảnh: X.Long
Ngoài chất lượng, sản phẩm chè rất cần đến thương hiệu và mẫu mã (Trà B’Blao). Ảnh: X.Long

Là nước có diện tích chè xếp hạng thứ 7 và sản lượng chè xuất khẩu xếp hạng thứ 5 thế giới, Việt Nam hiện có trên 120.000 ha đất trồng chè và khoảng 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 100 ngàn tấn, trị giá trên 160 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đặt ra trong cả nước năm 2017 của ngành chè Việt Nam là xuất khẩu (chính ngạch) trên 150 ngàn tấn và tiêu thụ thị trường trong nước khoảng 50 ngàn tấn chè các loại. 
 
Thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt Nam là Pakistan, Ðài Loan, Nga… Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam đến thị trường 3 nước này đạt xấp xỉ một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chè tới 3 thị trường này chiếm trên 51%. 
 
Pakistan là thị trường luôn ở vị trí hàng đầu, tiêu thụ chè của Việt Nam nhiều nhất. Chè Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pakistan chiếm gần 20% sản lượng chè xuất khẩu và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy sản lượng chè Việt Nam xuất sang Pakistan đạt cao, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với lượng chè tiêu thụ và tổng kim ngạch nhập khẩu chè của nước này. Kế đến là thị trường Nga, chiếm 13,6% sản lượng và chiếm 11,8% tổng giá trị xuất khẩu chè của cả nước. Còn tại thị trường Đài Loan, sản lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam chiếm trên 12%. Năm nay, tại các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ…, sản lượng chè Việt Nam tiêu thụ tăng hơn năm trước. Riêng tại thị trường Ấn Độ, sản lượng chè Việt Nam năm nay tiêu thụ tăng đáng kể so với năm ngoái.  
 
Tuy nhiên, trong năm 2017, sản lượng chè Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước Pakistan, Malaysia, Indonesia, Đức và một số nước giảm cả về số lượng và doanh thu. Nguyên nhân là do sản phẩm chè của Việt Nam còn ít về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu); chất lượng, mẫu mã còn hạn chế, chưa hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh. 
 
Mặc dù là nước xuất khẩu chè vào hạng thứ 7 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước “dễ tính”; sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” yêu cầu chất lượng cao (như EU, Mỹ...) còn khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của họ.
 
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, từ thực tiễn việc uống chè có lợi cho sức khỏe nên nhu cầu của thị trường ngày càng tăng và tốc độ tăng trưởng của ngành chè đạt khoảng 5%/ năm. Như thế, nếu trong năm 2016, thị trường chè toàn thế giới đạt giá trị 24,3 tỷ USD, thì dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 37,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do biến đổi của thời tiết và khí hậu, nguồn cung ứng chè trên thế giới hiện đang có biểu hiện giảm sút, kể cả các nước sản xuất chè lớn như Kenya, Ấn Độ, Srilanca… Trước khó khăn, diễn biến không thuận lợi này lại là một “cơ hội”, một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam. 
 
Sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017 có những lạc quan hơn, bởi nhu cầu của thị trường tiêu thụ tăng. Các doanh nghiệp chè của Việt Nam có thêm thuận lợi là giá chè xuất khẩu tăng. Giá chè ở thị trường trong nước tương đối ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè (chè khô) chất lượng cao giữ mức 185.000 đồng/kg; giá chè xanh ở mức 135.000 đồng/kg. Tại Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc), giá chè búp tươi nguyên liệu (để sản xuất chè xanh) giữ mức bình quân 9.000 đồng/kg; giá chè búp tươi (để sản xuất chè đen) giữ mức 5.000 - 6.000 đồng/kg; giá chè búp tươi chất lượng cao (để sản xuất chè Oolong) ở mức 15.000 đến 18.000 đồng/kg. Thế nhưng, sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Sự thiếu hụt này, thực chất là “ảo”, do sản phẩm chè không đáp ứng theo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường các nước, nhất là các thị trường “khó tính”. 
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới, thuận lợi của doanh nghiệp là giảm thuế quan, nhưng phải chịu thách thức và “sức ép” về “hàng rào kỹ thuật”. Hàng rào đó chính là vấn đề đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần phải tham gia “sâu” vào “chuỗi giá trị cung ứng bền vững”, từ khâu trồng, chế biến đến xuất khẩu chè và kể cả việc đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu… nhằm sản xuất các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Do những hạn chế về chất lượng sản phẩm; chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu và cách thức chế biến, tiêu thụ… nên mỗi năm, ngành chè phải chịu thiệt hại (bán giá thấp hơn) hàng trăm tỉ đồng. 
 
Tại Hội nghị Phát triển ngành chè bền vững lần thứ 5 do Ban Chỉ đạo Phát triển ngành chè phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, một trong những mục tiêu chính được đặt ra của ngành chè Việt Nam là phải tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp và người sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng chè bền vững và chất lượng. Ngoài ra, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ xây dựng và áp dụng mô hình bảo vệ thực vật, nhằm giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng chè; đồng thời, thường xuyên cập nhật các thay đổi về quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường lớn và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Tổ chức Phát triển bền vững Hà Lan để nâng cao chất lượng sản phẩm chè Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới và chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ; từ đó, nâng cao lợi ích của tất cả các thành phần tham gia chuỗi giá trị. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay, thị phần xuất khẩu chè Việt Nam vào các nước phát triển vẫn còn khá thấp. Ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của các nước đề ra. Các sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu. Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ phối hợp và đề nghị với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để Bộ đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đưa ra những hỗ trợ trong việc đào tạo người nông dân. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và ngành chè Việt Nam, Hiệp hội Chè đã khuyến cáo các địa phương tiến hành phân vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gắn liền với người nông dân. Theo đó, các nhà máy cần có trách nhiệm với nông dân; còn nông dân cũng phải có trách nhiệm gắn bó với nhà máy để cung ứng “đầu vào” chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, trong thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, điều kiện cần và đủ là đòi hỏi phải có những tập đoàn lớn và những doanh nghiệp đủ mạnh để tham gia phát triển ngành chè và xây dựng, quảng bá thương hiệu Chè Việt Nam.
 
XUÂN LONG