Cùng với việc xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, Huyện ủy Di Linh đã xác định thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo bước tăng trưởng "đột phá" về kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2021 và định hướng đến năm 2025. Ðó là tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và kinh tế trang trại.
Cùng với việc xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, Huyện ủy Di Linh đã xác định thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo bước tăng trưởng “đột phá” về kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2021 và định hướng đến năm 2025. Ðó là tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và kinh tế trang trại.
Chính vì lý do nói trên, mới đây, tại cuộc họp vào cuối năm 2017, Huyện ủy Di Linh đã trao đổi, thảo luận và cùng lúc ban hành 2 nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 07-NQ/HU về “Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và Nghị quyết số 08-NQ/HU về “Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại” giai đoạn từ nay đến 2021 và định hướng đến năm 2025.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đến thăm và ngợi khen Trang trại nuôi cá tầm tại Hồ thủy lợi Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Ảnh: X.Long |
Theo ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Di Linh: “Xác định kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế địa phương. Phát triển kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế tập thể còn thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang kinh tế hợp tác, có quy mô rộng lớn và hiệu quả hơn để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”. Còn đối với kinh tế trang trại, Bí thư Huyện ủy Di Linh cho rằng: “Việc phát triển kinh tế trang trại là nhằm ứng dụng và phát huy các hình thức sản xuất tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; giải quyết và thay thế dần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; tạo động lực, tiền đề để kinh tế gia đình phát triển mở rộng về quy mô và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn hơn, chất lượng cao hơn, góp phần phát triển kinh tế bền vững…”. Mặt khác, cũng theo Bí thư Huyện ủy Di Linh, trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, huyện tiếp tục tập trung triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do vậy, việc ban hành và triển khai 2 nghị quyết chuyên đề nói trên còn nhằm góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Di Linh đã củng cố, xây dựng và phát triển các tổ kinh tế tập thể, với 14 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác và 5 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút trên 8.000 thành viên; đồng thời, hình thành 191 mô hình kinh tế trang trại (152 trang trại trồng trọt, 34 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại sản xuất tổng hợp), tạo việc làm thường xuyên cho trên 800 lao động và 2.000 lao động thời vụ. Nhiều tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế trang trại đã phát huy vai trò của mình, kịp thời chuyển đổi mô hình hoạt động để thích ứng trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên kết, hợp tác trong mọi hoạt động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Di Linh: Việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác còn có những hạn chế nhất định. Số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác còn ít, chưa đa dạng loại hình, chất lượng hoạt động chưa cao, quy mô còn nhỏ lẻ.
Một số hợp tác xã và tổ hợp tác được thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả; thu nhập của các thành viên tham gia các tổ chức kinh tế tập thể chưa cao; mức đóng góp của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong cơ cấu kinh tế của địa phương còn hạn chế. Mạng lưới quỹ tín dụng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu vốn vay của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đa số các hợp tác xã và tổ hợp tác chưa tiếp cận, liên kết với các tổ chức tín dụng để phối hợp hoạt động tín dụng và tổ chức sản xuất, kinh doanh… Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Số lượng trang trại chưa nhiều, quy mô còn nhỏ. Các loại hình trang trại về chăn nuôi, thủy sản phát triển còn chậm. Các trang trại sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghệ cao còn ít. Việc phát triển, xây dựng trang trại chủ yếu mang tính tự phát…
Anh K’Brooke, một thanh niên ở xã Gung Ré, mới khởi nghiệp xây dựng trang trại nuôi heo đen bản địa và heo rừng lai tại xã Sơn Điền. Anh cho biết, chỉ mới 2 năm hoạt động, hiệu quả của trang trại khá cao, nhưng anh vẫn còn lo lắng “đầu ra”, vì chưa kết nối được với các doanh nghiệp khác. Do vậy, anh đã lập trang Website Koho.vn để giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm thị trường để lo “đầu ra” cho sản phẩm.
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế và tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, Huyện ủy Di Linh xác định mục tiêu từ nay đến 2021, huyện sẽ tập trung củng cố, xây dựng, kiện toàn, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng, các hợp tác xã, tổ hợp tác và các trang trại; kịp thời chấn chỉnh những tổ chức kinh tế tập thể và những trang trại hoạt động kém hiệu quả.
Về kinh tế tập thể, huyện phấn đấu đến 2020, không còn tổ chức kinh tế tập thể hoạt động yếu kém tồn tại. Đến năm 2021, toàn huyện có ít nhất 21 hợp tác xã (mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả), 35 tổ hợp tác và thành lập mới thêm 1 quỹ tín dụng và đến năm 2025, trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Về kinh tế trang trại, huyện Di Linh phấn đấu đến 2021 có 500 trang trại và đến 2025 có 700 trang trại các loại. Đến 2021, toàn huyện có 10% trang trại ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất; 50% trang trại thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi (từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm) và đến 2025 có ít nhất 70% trang trại sản xuất bền vững, liên kết theo chuỗi.
XUÂN LONG