(LĐ online) - Chiều ngày 6/7/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2018. Các ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(LĐ online) - Chiều ngày 6/7/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2018. Các ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại điện lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và trên 100 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
|
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh: Đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức hàng năm là dịp để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trực tiếp gặp gỡ, nghe các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối thoại, phản ánh những khó khăn trong quá trình hoạt động và hiến kế xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thuận lợi. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mong muốn các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, thông tin lại những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước, của tỉnh Lâm Đồng trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chia sẻ và xây dựng. Tỉnh cũng xem đây là cơ sở quan trọng để đánh giá và có giải pháp nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thời gian qua tỉnh Lâm Đồng luôn thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhất là công tác tư vấn giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư… Từ đó góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đã được cải thiện và tăng lên 5 bậc, xếp thứ hạng từ 27 lên 22/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ số tăng điểm là hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 935 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 128 ngàn tỉ đồng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 172 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, 311 dự án đang triển khai xây dựng, 449 dự án đã đi vào hoạt động. Qua đánh giá, các dự án này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống cho người dân.
Hiện, toàn tỉnh cũng có 7.683 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 76 ngàn tỷ đồng, số doanh nghiệp tăng bình quân 13,3% mỗi năm, vốn đăng ký tăng 14% mỗi năm… Để hỗ trợ tối đa các hoạt động của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, từ đầu năm 2018 tỉnh đã phát hơn 2.000 phiếu khảo sát và thu được 76 phiếu phản hồi của doanh nghiệp, có 15 doanh nghiệp nêu 26 kiến nghị trên các lĩnh vực và đã được các sở, ngành liên quan giải đáp kịp thời.
Riêng tại hội nghị đối thoại lần này đã có 17 lượt phát biểu với 14 ý kiến của các doanh nghiệp phản ánh các lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, quản lý đất đai, vốn đầu tư. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tỉnh Lâm Đồng cần có quy hoạch cụ thể về san ủi mặt bằng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp nào để quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái rừng gắn với hoạt động du lịch; giải quyết tình trạng cò du lịch, cò đặc sản làm ảnh hưởng hình ảnh thành phố du lịch Đà Lạt; kiến nghị về giải pháp của tỉnh trong giải quyết thủ tục đất đai làm chậm tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp... Tất cả những ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành lần lượt trả lời trên tinh thần cầu thị.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đoàn Văn Việt khẳng định: Sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của địa phương. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, cao hơn bình quân cả nước, trong đó có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đối thoại với doanh nghiệp ngày hôm nay, các vấn đề doanh nghiệp quan tâm có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý Nhà nước, các chính sách hỗ trợ… Về công tác bảo vệ rừng và thực tế đang diễn ra hiện nay có liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, đây là vấn đề cần quan tâm thường xuyên và liên tục. Với lĩnh vực nông nghiệp, cần gắn lợi ích doanh nghiệp với việc bảo vệ quỹ đất, nguồn đất sạch, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, san ủi đất rừng làm nông nghiệp cũng như tác động của nông nghiệp công nghệ cao với môi trường…
Liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như doanh nghiệp phản ánh, ông Đoàn Văn Việt khẳng định, UBND tỉnh sẽ rà soát và xử lý đúng, sớm các trường hợp kiến nghị, giải quyết thỏa đáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Với vấn đề về công nghiệp, cụm công nghiệp cũng cần rà soát, thu hút đầu tư, nâng tỉ lệ lấp đầy, phát huy hiệu quả hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp. Giao thông cũng là vấn đề cần quan tâm, việc kẹt xe cục bộ đang được tỉnh xây dựng kế hoạch mở rộng không gian đô thị để giải quyết bài toán giao thông. Về môi trường quan tâm nhiều đến rác thải nông nghiệp và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đây là vấn đề đáng lo vì nó ảnh hưởng đến môi trường chung và sức khỏe của người dân.
Về vấn đề chính sách, cơ chế, điều chỉnh giá cả, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên theo dõi trên các trang thông tin, truyền thông, các văn bản mang tính pháp quy trên cổng thông tin của tỉnh để tiếp cận kịp thời các thông tin. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch, chính sách để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Đức Phúc - Công ty TNHH Sinh thái Phương Nam: “Cần sự đồng cảm với doanh nghiệp”
Doanh nghiệp chúng tôi được giao quản lý và bảo vệ rừng, tuy nhiên với tình trạng phá rừng đang diễn ra phức tạp, đất rừng bị san lấp để làm nông nghiệp… cần sự phối hợp quyết liệt và mạnh tay hơn của các ngành chức năng để bảo vệ rừng, bảo vệ quỹ đất. Cần sự đồng cảm với doanh nghiệp để không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên mà còn liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp.
* Ông Đỗ Đình Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Xanh Maca: “Doanh nghiệp cần quỹ đất để tập trung đầu tư sản xuất”
Tại địa bàn huyện Đức Trọng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thêm quỹ đất hay cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm nhà máy, tập trung sản xuất, xa khu dân cư, hiện nay nhu cầu này là rất lớn cho các hoạt động như sơ chế nông sản, sản xuất kinh doanh…
* Bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Vận tải ô tô số 1 Bảo Lộc: “Các doanh nghiệp vận tải cần bổ sung các chính sách mới để phát triển”
Doanh nghiệp vận tải hiện đang rất quan tâm các chính sách để cho phép cấp phù hiệu cho xe dưới 3,5 tấn, sang tên cho các phương tiện mất giấy tờ, qua nhiều chủ hay không tìm ra chủ… doanh nghiệp rất cần các chính sách bổ sung để phát triển và hợp lệ các phương tiện vận tải theo đúng quy định pháp luật.
• Bà Phạm Thị Thu Cúc - Giám đốc Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc: “Doanh nghiệp cần hướng dẫn các quỹ tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao”
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao rất muốn tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp để phát triển cơ sở sản xuất, tăng diện tích sản xuất… Với lợi thế là tỉnh có diện tích nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất nước, vấn đề này cần sự quan tâm và hướng dẫn hơn nữa để các doanh nghiệp tận dụng triệt để các nguồn cơ hội.
• Ông Trần Duy Thắng - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thiên Nhân: “Cần các hoạch định về giao thông để xứng tầm thành phố thông minh”
Hiện nay, cứ buổi chiều là giao thông Đà Lạt hầu như tê liệt cục bộ, tình trạng kẹt xe ngày càng phức tạp, để phát triển du lịch, doanh nghiệp mong muốn các hoạch định, quy hoạch và các giải pháp về giao thông để phát triển du lịch xứng tầm thành phố thông minh. Ví dụ phương pháp sử dụng xe điện di chuyển trong thành phố mà các nước phát triển đang áp dụng. Với nhu cầu ngày một cao của du khách và sự phát triển của du lịch, cần các giải pháp về giao thông kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển.
(Song An lược ghi)
|
Diễm Thương