(LĐ online) - Những vườn cà phê arabica dưới chân núi Langbiang mùa trái chín. Cả làng K'Ho vào vụ thu hái cà phê. Những thương hiệu Cà phê Langbiang, Cà phê K'Ho đang được nhiều người biết đến.
(LĐ online) - Những vườn cà phê arabica dưới chân núi Langbiang mùa trái chín. Cả làng K’Ho vào vụ thu hái cà phê. Những thương hiệu Cà phê Langbiang, Cà phê K’Ho đang được nhiều người biết đến.
Mùa cà phê, nhà Ro Lan Cơ Liêng ở B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương (cũng là địa chỉ của K’Ho Coffee) càng thêm đông vui, nhộn nhịp. Một xe máy cày vừa chở cà phê về, những bao cà phê tươi nguyên được chuyển xuống, nhóm các bà, các chị quây quần lựa nhặt, loại những trái xanh, chỉ những trái chín đưa vào sơ chế. Nhóm khác, cả chục thanh niên đang rửa cà phê. Một chàng trai giải thích: Chỗ (cà phê) này đã chà vỏ, ngâm một ngày rồi, giờ xả ra và rửa sạch trước khi phơi. Đây là phương pháp chế biến ướt đối với cà phê arabica. Những rổ cà phê sau khi chà rửa xong, màu xanh bóng, trông thật mê. Quả thật là tận mắt thấy những trái cà phê sau khi hái xuống được “chăm sóc”, nhặt nhạnh, chà rửa kỹ càng, được phơi trên giàn, trong nhà kính sạch sẽ thế này thì yên tâm quá.
Ngoài sân, mấy du khách “Tây ba lô” cũng đang trải nghiệm… làm cà phê. Anh chàng Moul Du Lick - một kỹ sư nông nghiệp, hướng dẫn viên của K’Ho Coffee, từng thực tập nghề nông ở Mỹ, ở Israel, tiếng Anh “như gió”, chỉ dẫn họ những thao tác thủ công để làm ra hạt cà phê thành phẩm. Hì hục giã, rồi sàng sẩy, lóng ngóng, rơi vãi, nhưng vui, như vậy để hiểu được con đường từ cái hạt bé nhỏ đến ly cà phê thơm nức kia.
|
Khách du lịch trải nghiệm làm cà phê |
Theo Ro Lan Cơ Liêng - cô chủ K’Ho Coffee, bây giờ, bà con ở đây đã quen với làm cà phê sạch. Sạch từ khâu chăm sóc, thu hái, đến chế biến. Cũng như những vụ trước, Ro Lan vẫn thu mua cà phê tươi cho bà con. Có đến 70 hộ (khoảng 20ha) ở thôn B’Nơr C tham gia với K’Ho Coffee. Trong năm, vợ chồng Ro Lan hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hái, đến vụ thu hoạch, mua sản phẩm đủ tiêu chuẩn với giá cao hơn bên ngoài. Tuy nhiên, do diện tích giàn phơi có hạn, nên có hôm phải tạm ngưng thu hái, để đợi giàn. Cũng vì quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ, nên việc thu mua cà phê tươi của K’Ho Coffee chỉ chủ yếu với bà con ở thôn B’Nơr C. Ro Lan cho biết, 50% sản phẩm K’Ho Coffee được xuất khẩu, và năm nay, thị trường chính sẽ là Nhật Bản.
|
Hái chín để bảo đảm chất lượng cà phê |
Anh thanh niên K’Ho Liêng Hot Ha Set dẫn tôi đi quanh làng, những vườn cà phê arabica đang mùa trái chín. Ha Set cho biết, trước đây, bà con không quan tâm lắm đến cây cà phê vì giá bán thấp, thu nhập không bao nhiêu, còn bây giờ, cà phê ở đây đã có thương hiệu - Cà phê Langbiang, Cà phê K’Ho. Được biết, huyện Lạc Dương cũng đã quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, có các tổ sản xuất liên kết nông dân, liên kết với doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ, và bà con dân tộc K’Ho thêm gắn bó với cây cà phê truyền thống của mình.
Bích Hiền