CN, 06/04/2025, 09:31

Những gam màu sáng trong bức tranh tín dụng chính sách Lâm Ðồng

07:04, 23/04/2019

Quy mô của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lâm Ðồng đứng thứ 12/51 trong hệ thống tín dụng ngân hàng tại Lâm Ðồng, đồng thời có trụ sở giao dịch tại tất cả các huyện, thành và 147 điểm giao dịch hằng tháng tại xã. Mặc dù còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp khắc phục, nhưng hoạt động của NHCSXH tỉnh Lâm Ðồng luôn tăng trưởng hằng năm, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn 0%, thu hồi được nợ và thu lãi kịp thời để quay vòng vốn tốt. 

Quy mô của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lâm Ðồng đứng thứ 12/51 trong hệ thống tín dụng ngân hàng tại Lâm Ðồng, đồng thời có trụ sở giao dịch tại tất cả các huyện, thành và 147 điểm giao dịch hằng tháng tại xã. Mặc dù còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp khắc phục, nhưng hoạt động của NHCSXH tỉnh Lâm Ðồng luôn tăng trưởng hằng năm, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn 0%, thu hồi được nợ và thu lãi kịp thời để quay vòng vốn tốt. 
 
Điển hình là Đam Rông - huyện nghèo của tỉnh, nhưng là đơn vị dẫn đầu hoạt động NHCSXH năm 2018 của tỉnh. Năm 2018, Đam Rông thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách (TDCS) góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình và nâng cao đời sống của người dân; tất cả các chỉ tiêu cơ bản đều đạt; tỷ lệ hộ nghèo giảm 25% so với năm 2017. Ban đại diện (BĐD) phát huy vai trò trong hoạt động TDCS, đẩy mạnh triển khai các chương trình gắn với các hoạt động của địa phương, thực hiện phương án nâng cao chất lượng tín dụng, không có xã có nợ quá hạn trên 5%. 
 
Di Linh là huyện có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất tỉnh, có dư nợ lớn nhất, nhưng có nợ quá hạn thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; là địa bàn rộng, đồng bào DTTS chiếm 33%, công tác kiểm tra, giám sát của BĐD huyện được quan tâm, chú trọng, nợ quá hạn ở mức 0,05%, có 13 xã và 2 tổ chức chính trị, xã hội không còn nợ quá hạn. Đạ Tẻh có sự phối hợp tốt giữa các hội đoàn thể với NHCSXH, không để xảy ra phàn nàn, khiếu kiện, do thực hiện kịp thời và chặt chẽ trong bình xét cho vay, trong hoạt động ủy thác, hỗ trợ Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, kiểm soát được các hộ có nhu cầu đi khỏi địa phương…
 
Tính đến 31/3, NHCSXH Lâm Ðồng có tổng dư nợ đạt 3.177.531 triệu đồng/96.287 hộ, tăng 3,25% so với đầu năm, hoàn thành 45,5% kế hoạch tăng trưởng năm 2019. 
 
NHCSXH Lâm Ðồng đạt hơn 130% kế hoạch tăng trưởng vốn ủy thác
 
Đến nay, ngân sách địa phương chuyển ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng được 26.100 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 10.000 triệu đồng, ngân sách 12/12 huyện, thành phố 16.100 triệu đồng (đơn vị thấp nhất 1.000 triệu đồng, cao nhất 3.500 triệu đồng). Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 130.401 triệu đồng, tăng 26.187 triệu đồng so với đầu năm, hoàn thành 130,9% kế hoạch tăng trưởng.

Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động TDCS trong quý I có 11/11 Phòng giao dịch và Hội sở tỉnh đều xếp loại tốt. Hoạt động TDCS trên địa bàn có nhiều điểm sáng tích cực là sự phối hợp hoạt động tốt của NHCSXH với chính quyền các cấp, đặc biệt là hoạt động quản lý nguồn vốn tín dụng ủy thác của các tổ chức chính trị, xã hội. Như, Hội Cựu chiến binh huyện Đạ Huoai, nhiều năm qua, luôn thực hiện tốt các quy trình trong vay vốn và gởi tiết kiệm, cũng như tổ chức kiểm tra kiểm soát kế hoạch sử dụng vốn của hộ vay; tỷ lệ nợ quá hạn không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (cuối năm 2018, chỉ còn 2 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo). 

Tuy nhiên, năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH Lâm Đồng tăng. Tính đến 31/3/2019, nợ quá hạn là 6.092 triệu đồng, chiếm 0,19% trên tổng dư nợ, tăng 547 triệu đồng so với đầu năm. Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: Những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và nợ quá hạn vẫn quen thuộc như hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa vay vốn chủ yếu làm cà phê, nhưng giá cà phê thấp, bị chiếm dụng vốn… Ở tổ chức Đoàn Thanh niên huyện Bảo Lâm, mặc dù triển khai hoạt động TDCS rất hiệu quả, nguồn vốn tăng hằng năm, có nhiều điển hình cá nhân lập thân lập nghiệp, công tác thu hồi vốn và gởi tiết kiệm vượt kế hoạch; nhưng bị một trường hợp đi khỏi địa phương, tăng nợ quá hạn năm 2018 lên 0,12% (nợ quá hạn năm 2017 chỉ ở mức 0,01%); hoặc ở Hội LHPN huyện Lâm Hà, nợ quá hạn còn 0,17%, tập trung ở đối tượng đi khỏi địa phương và nợ xuất khẩu lao động.
 
Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận xét: Thời gian qua, hoạt động NHCSXH có nhiều điểm nổi bật là truyền thông công khai, minh bạch, huy động vốn tốt, tăng trưởng tín dụng khá; trong năm 2018, nợ quá hạn dưới 0,2%. Công tác kiểm tra, giám sát đạt 10% kế hoạch, có đối chiếu phân loại nợ, bình xét công khai đúng đối tượng, sử dụng vốn vay hiệu quả, phối kết hợp giữa các Hội đoàn thể - các cấp chính quyền - các ban ngành, thực hiện đủ 14 chương trình TDCS và Chỉ thị 40 của TW Đảng, củng cố tổ chức bộ máy, mạng lưới đã làm thường xuyên trong năm và công tác thi đua khen thưởng. 3 mặt hạn chế cần khắc phục là nợ quá hạn tăng, tăng Tổ TK&VV yếu và trung bình, công tác quản lý các hộ đi khỏi địa phương còn lúng túng.
 
Có nhiều điểm sáng và luôn tăng trưởng mỗi năm, nhưng mong muốn của nhiều hộ vay và các tổ chức nhận ủy thác vốn là cần huy động vốn nhiều hơn nữa, có nhiều chương trình cho vay để mở rộng đối tượng vay vốn, tăng hạn mức vốn vay…, chẳng hạn, đã có chương trình cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, nên mở rộng cho hộ cận nghèo cũng được vay vốn làm nhà ở; tăng thêm nguồn vốn và nâng hạn mức cho vay, đặc biệt là ở các xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới để xã có điều kiện ổn định phát triển kinh tế và duy trì các tiêu chí NTM; tăng nguồn vốn vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
 
LÊ HOA