Thứ 4, 16/04/2025, 22:37

Hiệp An phát triển vững vàng từ nông thôn mới

06:09, 25/09/2019

Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn, sau 20 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của Nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bộ mặt xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) đã và đang đổi thay từng ngày. 

Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn, sau 20 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của Nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bộ mặt xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) đã và đang đổi thay từng ngày. 
 
Từ một vùng chuyên canh lúa nước với thu nhập thấp, người dân xã Hiệp An đã chuyển đổi cây trồng sang trồng rau, hoa... cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Ảnh: N.Minh
Từ một vùng chuyên canh lúa nước với thu nhập thấp, người dân xã Hiệp An đã chuyển đổi cây trồng sang trồng rau, hoa... cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Ảnh: N.Minh
 
Theo bà Lê Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, năm 1999, sau khi được tách ra từ xã Hiệp Thạnh, mật độ dân số của xã Hiệp An vẫn còn thưa thớt, với 6.100 người, diện tích tự nhiên là 5.400 ha. Trong tổng số 1.200 ha diện tích đất nông nghiệp, diện tích trồng lúa nước chiếm 80%. Lúc bấy giờ, phương tiện cơ giới còn thiếu, sản lượng lương thực thấp, năm 2000 giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích là 50 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người là 500 ngàn đồng/người/năm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. 
 
Trước tình hình thực tế trên, được sự quan tâm của các cấp, các chương trình dự án như 134, 135, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng, chương trình giảm nghèo... cùng với ý chí quyết tâm, bản chất cần cù, chịu khó của người dân , Hiệp An đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ chuyên lúa nước sang rau hoa, đặc biệt là rau hoa được ứng dụng công nghệ. Đến năm 2009, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 180 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 18 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,4% năm 2000 xuống 6,3% năm 2009.
 
10 năm trở lại đây, điều kiện phát triển của địa phương có nhiều thuận lợi, với sự nỗ lực không ngừng của các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Hiệp An đã thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm và từng giai đoạn. Cụ thể, trên lĩnh vực kinh tế ổn định và có sự phát triển vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 500 ngàn đồng/người/năm 2000 lên 65 triệu đồng/người/năm vào năm 2018; tỷ lệ hộ khá, hộ giàu tăng, hộ nghèo, cận nghèo giảm dần.
 
Năm 2014, Hiệp An bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, lúc đó, xã đạt 10/19 tiêu chí. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, nhiều chương trình, dự án được thực hiện với phương pháp, cách làm phù hợp thực tế. Cùng với việc tranh thủ được các nguồn lực, tiếp cận được nhiều nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội cũng được đầu tư đồng bộ, tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; đến năm 2015, xã Hiệp An được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Giai đoạn 2016 - 2020, xã tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung thực hiện nâng cao chất lượng 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí còn lại đó là môi trường và y tế.
 
Cùng với đó, trong những năm qua, giao thông nông thôn trên địa bàn xã Hiệp An cũng đã có những cải thiện nhất định. Nếu như trước năm 2014, các tuyến đường trong thôn chủ yếu là đường đất và đá cấp phối, sau 5 năm, từ chương trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm để chung tay xây dựng nông thôn mới, xã Hiệp An đã thực hiện được 8,7 km đường ngõ xóm, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, trong đó, có nhiều tuyến đường do Nhân dân đóng góp. Ông K’Líp (thôn K’Long C, xã Hiệp An) nói: “Kể từ khi người dân trong thôn đồng tình đóng tiền làm đường, kéo điện, việc đi lại trong thôn thuận lợi hơn nhiều, nhất là lúc trời mưa; an ninh trật tự trên địa bàn cũng ổn định hơn, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi”.
 
Cũng trong 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh; năm 2017 xã đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến cuối năm 2018, có 6/6 thôn giữ vững thôn văn hóa, gia đình văn hóa đạt 92%, 100% cơ quan, đơn vị đạt cơ quan văn hóa. Năm 2012, xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa và giữ vững cho đến nay.
 
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo cũng có nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 1%. Song song với đó, xã cũng huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo đời sống cho các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi...
 
Cũng theo bà Lê Thị Hà, từ nay đến năm 2020, xã Hiệp An tiếp tục đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như: Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm; duy trì và nâng cao 17 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành 2 tiêu chí còn lại; phấn đấu hoàn thành 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%...
 
NHẬT MINH