Thứ 7, 12/04/2025, 01:42

Đảm bảo an toàn hệ thống và đủ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

05:08, 04/08/2020

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 toàn cầu, dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tăng trưởng...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 toàn cầu, dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tăng trưởng, nhưng chậm so với cùng kỳ năm trước và so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, về cơ bản ngành Ngân hàng Lâm Đồng vẫn đáp ứng khá tốt nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
 
Mặc dù chịu nhiều tác động xấu, nhưng các TCTD nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ ngân hàng. Trong ảnh: Agribank Lâm Đồng triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn bệnh viện không dùng tiền mặt
Mặc dù chịu nhiều tác động xấu, nhưng các TCTD nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ ngân hàng. Trong ảnh: Agribank Lâm Đồng triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn bệnh viện không dùng tiền mặt
 
Theo số liệu của ngành Ngân hàng, đến 30/6/2020, các chỉ tiêu hoạt động chỉ tăng nhẹ và thấp hơn chỉ tiêu định hướng của ngành, như: huy động vốn tăng 14,2% so với cùng kỳ, với tốc độ tăng trưởng 4,1% (chỉ đạt 31,5% chỉ tiêu định hướng của ngành); dư nợ tăng 13,4%, với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 3,3% (đạt 23,6% chỉ tiêu định hướng); có trên 10 đơn vị tăng trưởng âm về huy động và 9 đơn vị tăng trưởng âm về cho vay, có những đơn vị sụt giảm rất lớn, có đơn vị huy động tăng nhưng cho vay không được, có đơn vị bị sụt giảm trầm trọng cả 2 chỉ tiêu. Những tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng góp phần cho tăng trưởng chung đa số lại có quy mô trung bình và nhỏ. 
 
Nợ xấu trong 6 tháng đầu năm ở mức 0,56% trong tổng dư nợ, tăng hơn 19% so với cuối năm 2019, phát sinh tăng ở 14 chi nhánh ngân hàng và 8 quỹ tín dụng nhân dân. Riêng về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hệ thống các TCTD tại Lâm Đồng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 434 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 683 tỷ đồng; miễn, giảm lãi 5,82 tỷ đồng cho 3.255 khách hàng vay; cho 7.140 khách hàng vay mới với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay là 10.545 tỷ đồng.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 53 đơn vị TCTD, gồm 26 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 1 chi nhánh NHCSXH và 25 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), với điểm chung là thanh khoản của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang rất dồi dào. Lãi suất cả tiền gởi và tiền vay đều có mức giảm từ 0,02% đến trên 1%... Thống kê cơ cấu tiền tệ cho thấy, nguồn tiền gửi từ dân cư chiếm 74,8%, tăng 5,4% so với đầu năm và tăng 12% so với cùng kỳ; còn nhu cầu tín dụng của các đơn vị hoạt động thương mại và dịch vụ đang chiếm 50% (tăng 3% so với cùng kỳ), đơn vị hoạt động nông - lâm - thủy sản là 43% (tăng 2% so với cùng kỳ)... Như vậy, hệ thống TCTD trên địa bàn toàn tỉnh có đủ nguồn lực phục vụ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp…
 
Theo ông Trương Quốc Thụ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: Trải qua 6 tháng gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của dịch COVID-19, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng nên tăng trưởng chậm cả về số dư nguồn vốn huy động và số dư nợ cho vay so với cùng kỳ năm trước và so với cuối năm trước. Toàn ngành cũng phải gấp rút triển khai Chỉ thị của Thống đốc và Chính phủ về tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và các chỉ đạo về lãi suất, hoạt động tín dụng, hoạt động QTDND, ngoại hối, xử lý nợ xấu,…
 
Ông Thụ cũng cho biết: Trách nhiệm của ngành là tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng được giao (huy động vốn tăng 13% và cho vay tăng 14% vào cuối năm và không điều chỉnh). Bài toán hoàn thành các chỉ tiêu này rất khó, vì 6 tháng đầu năm đã không đạt được 50% kế hoạch. Tình hình 6 tháng cuối năm cũng chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, nên các TCTD phải nắm được những khó khăn, vướng mắc nào sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị mình, trong đó, dự kiến nợ xấu sẽ tăng. Vì vậy, phải có nhiều giải pháp, dễ nhất là tăng trưởng dư nợ, nhưng phải làm sao để hạ thấp tỷ lệ nợ xấu. Ông cũng yêu cầu tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tăng cường kích cầu để tăng GDP và quan trọng nhất là để ngành Ngân hàng phát triển an toàn và bền vững; các đơn vị tiếp tục tiết giảm các chi phí, áp dụng các chỉ đạo để hỗ trợ cho nền kinh tế… Đặc biệt, qua tình hình dịch bệnh COVID-19 thấy được vai trò và tiện ích của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt rất rõ, nên cần tăng cường truyền thông và thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…
 
LÊ HOA