Hương trà Phước Lạc

07:02, 19/02/2021

Theo lời giới thiệu của bà Nguyễn Tố Oanh, nguyên cán bộ ngành chè, Giám đốc Trung tâm Trưng bày sản vật Tây Nguyên (thành phố Bảo Lộc)...

Theo lời giới thiệu của bà Nguyễn Tố Oanh, nguyên cán bộ ngành chè, Giám đốc Trung tâm Trưng bày sản vật Tây Nguyên (thành phố Bảo Lộc) về doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chè lớn của Bảo Lộc, chúng tôi tới tham quan đồi trà rộng lớn của Công ty TNHH Trà Phước Lạc. Giữa vùng Đam Bri mát lành, những gốc chè Oolong đang ngày đón ánh sáng, đêm đón sương lành, dâng cho đời những búp trà ngọt lành.
 
Chị Như (trái) trao đổi với bà Nguyễn Tố Oanh, Giám đốc Trung tâm Trưng bày sản vật Tây Nguyên thành phố Bảo Lộc
Chị Như (trái) trao đổi với bà Nguyễn Tố Oanh, Giám đốc Trung tâm Trưng bày sản vật Tây Nguyên thành phố Bảo Lộc
 
Anh Lâm Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty Trà Phước Lạc bảo, anh vốn là con cháu một gia đình có mấy đời làm trà, cha mẹ anh cũng gắn bó với cây trà B’Lao từ ngày xưa. Năm 2003, khi bắt đầu quay lại với ngành chè, anh và vợ, chị Lê Thị Hồng Như chỉ có 2 ha trà Oolong, giống trà anh rất yêu thích và gắn bó. Dần dần, anh chị mở rộng dần diện tích đồi trà và hiện đã có 120 ha trà Oolong giống Kim Tuyên, Tứ Quý đang cho thu hoạch trên địa bàn xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc. Diện tích trồng trà đảm bảo đủ lượng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với công suất 300 tấn trà Oolong khô/năm, hầu hết đều xuất sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc với thương hiệu Trà Phước Lạc B’Lao. 
 
Anh Lâm Tuyền chia sẻ, cây chè Oolong là một dòng trà rất đặc biệt, ưa khí hậu mát, vùng đất nhiều sương với ánh sáng dịu. Bởi vậy, đồi trà của Phước Lạc đều được trồng dưới tán các cây lớn che bóng như cây muồng, cây keo, tạo một hành lang chắn sáng dịu dàng. Nước từ hồ tự nhiên được bơm lên đỉnh đồi, qua xử lý theo đường ống tự chảy xuống béc tưới, phun đều trên đồi trà mỗi buổi sớm mai. Cây trà Kim Tuyên, Tứ Quý ưa ẩm, cần nhiều phân hữu cơ, thậm chí có dung dịch cho trà được ngâm ủ từ men vi sinh cùng trứng gà, sữa đậu nành, đảm bảo búp trà non, đậm với lượng dưỡng chất lớn nhất. Đặc biệt, anh chị giữ được một mảnh rừng nguyên sinh nhỏ dọc theo đỉnh đồi trà. Mảnh rừng nguyên sinh rậm rạp chừng 10 ha chính là lá chắn sáng, bể chứa nước, giữ ẩm hiệu quả nhất cho đồi trà Phước Lạc. Thị trường Đài Loan, quê hương của cây chè Oolong, yêu cầu những búp trà đạt chất lượng tốt nhất. Anh Lâm Tuyền chia sẻ: “Người làm trà nào cũng biết, trà ngon hay dở quyết định tới 70% chất lượng trên cánh đồng. Chăm tốt, chăm chuẩn, cây cho búp trà ngon, gần như quyết định chất lượng của mẻ trà”.
 
Trà Oolong không hái máy mà phải hái tay, đúng theo tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, lượng công nhân trong nhà máy cũng như lượng công nhân trên nông trường của Công ty Phước Lạc rất lớn, gần 300 người. Vào mùa hè, khi trời ấm, cây trà phát triển nhanh hơn, chỉ cần 40-45 ngày/ chu kỳ hái, gần như nhà máy hoạt động suốt mùa. Vào mùa đông, cây trà phát triển chậm lại, 60 ngày mới đủ một lứa thu hoạch, nhà máy giảm công suất làm việc. Chế biến trà Oolong rất mất công, cần dây chuyền chuẩn và sự tận tâm, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật của người công nhân. Trà hái đúng kỹ thuật, phải được đưa về nhà máy ngay sau hái, tránh để trà dập, hấp hơi gây chín búp, ảnh hưởng tới hương vị. Búp trà được phơi héo, đưa vào nhà lạnh để thoát nước, sau đó quay thơm lên men, xào và đưa vào máy định hình. Từ khi búp trà được hái xuống cho tới khi thành hình viên trà Oolong, thời gian từ 32-35h. Nói thì đơn giản nhưng mỗi khâu sản xuất đều cần sự chú tâm của từng người công nhân và bản thân anh Lâm Tuyền theo sát từng khâu, đảm bảo mỗi búp trà được chế biến đúng kỹ thuật. Nhà máy chế biến trà của Phước Lạc có hệ thống máy móc hiện đại nhập từ Đài Loan, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 22000, HACCP, đảm bảo mỗi viên trà xuất xưởng đều đạt chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
Trà Oolong Phước Lạc chủ yếu dùng để xuất khẩu, thị trường chính là Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài Đài Loan, Phước Lạc cũng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và mong muốn để người trong nước biết hương vị Oolong chính tông, Phước Lạc cũng bắt đầu bán nội địa. Chị Lê Thị Hồng Như, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ, dù khách hàng mua lượng trà nhiều hay ít, công ty đều đáp ứng đầy đủ, nhiệt tình với mong muốn người yêu trà được thưởng thức những búp trà Oolong đúng vị cao nguyên B’Lao. Và, phát triển mạnh cây trà cũng là cách anh chị góp phần duy trì thương hiệu trà cao nguyên, bảo đảm đời sống cho 300 người lao động công ty, thỏa ước vọng gắn bó với cây trà của đôi vợ chồng con cháu nghề trà Bảo Lộc.
 
Không có cây chè Oolong cổ
 
Một điều khá đặc biệt là cây chè Oolong có đời sống rất ngắn. Nếu được chăm sóc tốt, chu kỳ sống của một cây chè Oolong kéo dài từ 10-15 năm. Nếu chăm sóc không tốt, cây chè Oolong chỉ sống được dưới 10 năm. Vì vậy, trồng trà Oolong rất vất vả, phải chuẩn bị thay giống thường xuyên để đảm bảo nguồn nguyên liệu liên tục. Nếu các giống chè khác đều có cây chè cổ thì Oolong hoàn toàn không có chè cổ.
 
DIỆP QUỲNH