Phát huy thế mạnh của một địa phương có diện tích đất rừng lớn, những năm qua, huyện Cát Tiên đã thực hiện chủ trương khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng...
Phát huy thế mạnh của một địa phương có diện tích đất rừng lớn, những năm qua, huyện Cát Tiên đã thực hiện chủ trương khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình và nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn.
|
Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng, anh Đào Văn Dương trồng 1.000 gốc cây dổi trên diện tích gần 2 ha |
•
PHÁT TRIỂN RỪNG GẮN VỚI GIẢM NGHÈO
Là địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp khá lớn, đến nay xã Tiên Hoàng có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 3.917,97 ha; trong đó, rừng đặc dụng là 973,8 ha và rừng sản xuất là 2.944,17 ha. Theo người dân trong vùng, vài năm trở lại đây, nhiều bà con đã mạnh dạn đầu tư trồng xen cây dổi lấy hạt trong các vườn cây, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Đơn cử tại Thôn 2, anh Đào Văn Dương là người tiên phong trồng cây dổi tại địa phương. Qua tìm hiểu mô hình trồng dổi lấy hạt của một số người dân ở các tỉnh phía Bắc cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2019, anh Dương đã đặt mua cây dổi từ Buôn Ma Thuột trồng xen bơ trên diện tích gần 2 ha.
Trước đây, diện tích đất này anh Dương trồng cây tràm, do hiệu quả kinh tế mang lại không được cao nên anh chuyển qua trồng dổi, bơ. Theo anh Dương, trồng những loại cây này vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ được diện tích đất và tăng độ che phủ rừng cho địa phương cũng tốt. “Mặc dù đây là năm đầu tiên thu bói, sản lượng thu về chưa được nhiều nhưng đến đợt thu chính sẽ cho thu nhập ổn định hơn. Mỗi năm, cây dổi cho thu hoạch hai vụ, vụ phụ từ tháng 2 đến tháng 4 và vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Hiện tại, giá bán dao động từ 800 ngàn đến 1,4 triệu đồng/kg hạt khô, chưa kể về lâu dài mình có thêm thu nhập từ gỗ. So với các loại cây khác, thì cây dổi sẽ là loại cây có nhiều tiềm năng để phát triển trên đất lâm nghiệp”, anh Dương chia sẻ.
Ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiên Hoàng cho biết: Việc phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp sẽ song hành hai nhiệm vụ, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ diện tích rừng hiệu quả. Trong 5 năm, địa phương đã trồng lại rừng trên diện tích đất rừng trồng sản xuất và đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả với diện tích 165 ha cây keo các loại và trồng cây phân tán 1.112 cây các loại. Đối với cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, hiện trên địa bàn xã có 4 cơ sở chế biến, sản xuất đồ mộc gia dụng là hộ gia đình.
Theo ông Hùng, bước sang giai đoạn mới, xã Tiên Hoàng tiếp tục vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả trên đất lâm nghiệp với diện tích 260 ha sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, cây gỗ nguyên liệu, cây đa mục đích… Đồng thời, UBND xã sẽ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tre tầm vông từ chuyển đổi diện tích điều già cỗi, kém hiệu quả kinh tế với diện tích khoảng 10 - 15 ha và gắn với việc chế biến các sản phẩm từ tre tầm vông. Hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng xen cây dược liệu, cây thực phẩm dưới tán rừng… để có đánh giá và nhân rộng đối với mô hình có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như Trà hoa vàng, Lá nhíp, Sâm cau...
•
PHẤN ĐẤU KINH TẾ LÂM NGHIỆP CHIẾM TRÊN 5%
Huyện Cát Tiên hiện có tổng diện tích tự nhiên là 42.694 ha; trong đó, 27.217 ha đất rừng và đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng 21.832 ha và rừng sản xuất 5.385 ha), chiếm gần 64% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện.
Năm 2020, huyện Cát Tiên trồng rừng phát triển kinh tế với diện tích là 66,5 ha; trong đó, có 21,5 ha được trồng trên đất lâm nghiệp và 45 ha trồng trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
Đến nay, toàn huyện có 21 cơ sở chế biến, sản xuất đồ mộc gia dụng đang hoạt động, trong đó có 18 cơ sở là hộ gia đình và 3 Công ty TNHH. Nguồn gốc của gỗ đưa vào chế biến chủ yếu là gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu và mua gỗ có nguồn gốc hợp pháp của huyện, tỉnh lân cận.
Nghị quyết Đảng bộ huyện Cát Tiên khóa VIII, xác định lợi ích của việc trồng rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân đã nhấn mạnh việc tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng từ rừng nhằm phát triển toàn diện, bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch 3 loại rừng. Duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng từ 64% trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng cơ cấu kinh tế lâm nghiệp chiếm trên 5% khu vực I.
Riêng trong năm 2021, huyện Cát Tiên đặt mục tiêu trồng 50 - 60 ha rừng theo kế hoạch bằng các loại cây gỗ nguyên liệu mọc như keo, tràm,… và tổ chức trồng khoảng 1.500 - 3.000 cây phân tán các loại trên địa bàn huyện.
Song song với việc phát huy hiệu quả kinh tế rừng và phát triển rừng bền vững, huyện Cát Tiên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Để tăng cường công tác quản lý và xử lý kịp thời, UBND huyện tập trung chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra thường xuyên các xưởng chế biến gỗ và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm; tiến hành đợt tổng kiểm tra, tuần tra các khu rừng, kịp thời phát hiện những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai ký cam kết giữa hộ dân, ban quản lý thôn không tiếp tay khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất, ngăn chặn, triệt phá các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
THÂN THU HIỀN