Xu hướng sản xuất mới không chỉ hình thành nên hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng, mà vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp. Đó là những gì mà huyện Đơn Dương đã và đang định hình cho nền nông nghiệp địa phương với 3 vùng sản xuất nông nghiệp và 1 vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao bởi 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông thôn thông minh.
|
Vườn ớt hữu cơ đang vào mùa thu hoạch của ông Bùi Ngọc Cung |
•
MỞ LỐI TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Trong không khí ngập tràn xuân, về xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương mới thấy hết khí thế sản xuất của bà con nông dân nơi đây, niềm tự hào mang tên vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, diện tích đất gieo trồng cây rau thương phẩm ở xã Lạc Xuân có gần 3.000 ha, trong đó, diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao 1.880 ha với giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 200 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm, có một số mô hình đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hà Văn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân cho biết: Toàn bộ 100% diện tích sản xuất của xã đã thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, lên luống; trên 65% rau, hoa được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 100% diện tích sản xuất ứng dụng các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và tưới thấm có thiết bị điều khiển tự động; 80% diện tích ứng dụng hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động hoặc bán tự động; 100% diện tích sử dụng hệ thống phòng trừ sâu bệnh tự động và bán tự động... Song song đó, các vấn đề về thu gom rác thải nông nghiệp được triển khai đúng quy định, các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, hệ thống điện và hệ thống cấp thoát nước đều đảm bảo các tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Công nghệ cao được ứng dụng giúp người nông dân làm chủ công nghệ |
Lạc Xuân là xã thứ 2 được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đơn Dương, trước đó là xã Lạc Lâm với 120 ha. Việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch nông nghiệp của tỉnh, sớm đưa 2 xã này hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 300 ha là nỗ lực của vựa rau lớn nhất tỉnh này. Ở đó, không chỉ bức tranh kinh tế nông nghiệp đậm sắc mà đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân cũng phát triển vượt bậc từ những lợi ích mà nông nghiệp công nghệ cao đem lại.
Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - Dương Đức Đại chia sẻ: Huyện đang có một quỹ đạo để thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp và tăng thêm những giá trị cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới. Nông nghiệp bây giờ sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, chứ không phải là dừng lại ở gia tăng sản lượng. Trong đó, đưa vào ứng dụng công nghệ, công nghiệp 4.0 và chú trọng sơ chế, bảo quản, đóng bao bì và thương mại điện tử. Đồng thời, sẽ phân khúc thị trường để đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường mở trong những hiệp định đối tác mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tạo ra một “cú hích” cho sản xuất nông nghiệp.
|
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất… nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái |
•
“THỦ PHỦ” BÒ SỮA - VÙNG CHĂN NUÔI CÔNG NGHỆ CAO
2 xã Tu Tra và Đạ Ròn, Đơn Dương được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trong tỉnh vào năm 2020 với tổng diện tích 10.639 ha. Hiện đạt 5 tiêu chí ứng dụng công nghệ cao về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, đầu mối là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và giá trị kinh tế cao; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghệ cao; sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường; vùng cũng đạt quy mô tối thiểu từ 10.000 con bò sữa trở lên. Đến hết năm 2021, toàn huyện Đơn Dương có trên 15.000 con bò sữa, chiếm khoảng 64% tổng đàn bò sữa Lâm Đồng; bên cạnh có 11 trạm thu mua sữa bò tươi với giá ổn định từ 12.000 - 14.500 đồng/kg.
Việc liên kết theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò sữa đến thu gom, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu đã giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp thu mua sữa. Anh Tuấn Anh, xã Đạ Ròn cho hay: Trang trại của anh ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi, quản lý, dinh dưỡng, thú y theo mô hình bò sữa cao sản. Việc kết hợp ứng dụng công nghệ cao, quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào và đầu ra là nền tảng cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Với đàn bò 47 con, mỗi ngày gia đình anh thu trên 400 kg sữa.
|
Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt, địa phương còn đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi |
Bí thư Huyện ủy Đơn Dương - Trương Văn Tùng khẳng định: Trong quá trình phát triển, xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện luôn muốn xây dựng từ giá trị cốt lõi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với xu thế và giữ được bản sắc của mình. Trong đó, ưu tiên chính là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất... nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái.
Động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp chính là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học công nghệ để tạo ra giá trị. Do đó, tiếp tục phát triển, cùng với đó là hạ tầng số, logistics, hệ thống thú y, bảo vệ thực vật đang là bước đi chiến lược mà huyện Đơn Dương đang hướng đến.
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng. Trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại đã áp dụng thành công hệ thống quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng thông qua hệ thống IoT cảm biến kết nối với hệ thống computer, điện thoại thông minh. Công nghệ thông minh ứng dụng trong nông nghiệp đã hiện đại hóa khâu sản xuất và được đánh giá rất cao, đặc biệt trong năm 2019-2020, các mô hình IoT ứng dụng quản lý canh tác tiết kiệm được 10-30% lượng nước tưới nhờ cảm biến độ ẩm đất, cây trồng; giảm 30% lượng phân bón; giảm nhân công lao động đến 50% và giúp tăng năng suất từ 10-20%.
Như vậy, phát huy những giá trị và thành tựu đạt được trong 5 năm qua của nền nông nghiệp, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những điểm nhấn và cú hích mới bằng những tư duy mới, tất cả sẽ được huyện Đơn Dương triển khai trên từng cánh đồng, từng thửa ruộng bởi những nông dân, doanh nghiệp và hệ thống quản lý nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
DIỄM THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin