(LĐ online) - Ngày 31/5/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng - Trưởng Ban đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá hoạt động tín dụng chính sách 5 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
|
Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì cuộc họp |
Tham dự cuộc họp có các thành viên BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH các huyện và thành phố thuộc tỉnh; Ban Giám đốc và lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ NHCSXH tỉnh, lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện và thành phố Bảo Lộc.
Báo cáo của BĐD cho biết: Những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát nhanh ảnh hưởng đến của đời sống xã hội, Nhân dân gặp nhiều khó khăn; BĐD HĐQT NHCSXH các cấp có thay đổi nhân sự; hoạt động tín dụng chính sách gắn với nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ... nhưng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh, các phòng giao dịch đã phối hợp cùng Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cấp xã triển khai các chương trình tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng, đúng định hướng, sát mùa vụ gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phục hồi sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Các chương trình tín dụng chính sách tạo điều kiện cho 20.195 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 929.101 triệu đồng. Hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách với tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn chiếm tỷ lệ 98,3%. Thông qua vay vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 1.415 hộ nghèo, 3.499 hộ cận nghèo và 2.553 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 3.900 lao động, tạo điều kiện cho 1.807 gia đình học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp cho 6.799 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 5 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, 4 cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập... Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
|
BĐD HĐQT NHCSXH các địa phương tham gia ý kiến |
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thành phố kiêm trưởng BĐD HĐQT NHCSXH huyện, thành phố kiến nghị những vướng mắc và các đề xuất từ thực tế hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương. Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, giải thích và giải trình các thắc mắc của BĐD HĐQT NHCSXH các địa phương về các vấn đề cơ chế, chính sách cho vay; nguồn vốn, vay vốn nhà ở, xóa nợ, vay vùng khó khăn và các giải pháp...
Mặc dù khó khăn, nhưng Trung ương, tỉnh và các địa phương đã kịp thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động của NHCSXH, có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ; dư nợ tăng trưởng 9% đạt 96,5% kế hoạch, nợ quá hạn chiếm 0,07%/tổng dư nợ. 142 điểm giao dịch xã thông tin kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng; triển khai các hoạt động giao dịch định kỳ hiệu quả, công khai, đầy đủ, kịp thời đúng quy trình; duy trì nề nếp việc giao ban với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch; tỷ lệ giao dịch tại xã đạt 97,5%/tổng số tiền phát sinh giao dịch (cho vay 99,3%, thu nợ 96%, thu lãi 98,7%)…
Kết luận các vấn đề, ông Đặng Trí Dũng ghi nhận nỗ lực của NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thành phố; các xã và tổ tiết kiệm và vay vốn đã bám sát nhiệm vụ, đặc biệt là Nghị quyết của Chính phủ, BĐD HĐQT NHCSXH và của tỉnh để triển khai thực hiện. Theo ông Dũng, quan điểm chung của tỉnh, của BĐD HĐQT NHCSXH là khi có đối tượng, có nhu cầu sinh kế là phục vụ, không để ai ở lại phía sau.
Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị, NHCSXH tỉnh kết hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các địa phương chú ý hiệu quả sử dụng vốn gắn với đầu ra cụ thể, tức là phải đo đếm được có bao nhiêu hộ thoát nghèo, bao nhiêu học sinh - sinh viên được hưởng chính sách vốn đầu tư cho việc học tập, bao nhiêu người sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn trang trải chi phí cho bao nhiêu lao động...; và có sự so sánh với các địa phương...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới và bám sát các nhiệm vụ của NHCSXH, các vướng mắc phát sinh từ thực tế, phân loại thẩm quyền giải quyết theo thứ tư ưu tiên... Ông Dũng cũng đề nghị các sở, ngành các cấp hỗ trợ NHCSXH và các địa phương trong hoạt động tín dụng chính sách. Sắp tới, NHCSXH kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chúng ta phải nhìn lại những việc đã làm được và các tồn tại cần khắc phục để tiếp tục đưa hoạt động tín dụng chính sách phát triển theo hướng ưu việt, phục vụ các đối tượng chính sách và hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo...
LÊ HOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin