Giải pháp chuyển đổi cây trồng phù hợp

01:01, 06/01/2023
Với mục tiêu giảm diện tích sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm) từ 15% xuống 13,6% trên tổng diện tích đất canh tác trong năm 2023, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. 
 
Dâu tây giống mới nhập khẩu đã tạo bước đột phá tăng thu nhập cho người sản xuất ở Đà Lạt
Dâu tây giống mới nhập khẩu đã tạo bước đột phá tăng thu nhập cho người sản xuất ở Đà Lạt
 
  CHUYỂN ĐỔI HƠN 12.745 HA CÂY TRỒNG CÁC LOẠI
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong năm 2022, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 12.745 ha cây trồng. Chiếm nhiều nhất diện tích chuyển đổi với 5.509 ha tái canh, ghép cải tạo cà phê. Tiếp theo, chuyển đổi 1.812 ha đất lúa sang trồng các loại cây rau, hoa, bắp, đậu, dưa hấu, khoai lang, dâu tằm… Cây điều trồng tái canh gần 353 ha, chuyển đổi hơn 1.012 ha sang trồng sầu riêng, cam, mít… Còn lại chuyển đổi 3.884 ha các loại cây trồng kém hiệu quả khác.
 
Kết quả chuyển đổi đã hình thành các vùng chuyên canh với từng loại cây trồng mới gồm: gần 2.225 ha cây ăn quả tại 10 huyện và TP Bảo Lộc; 545,6 ha mắc ca tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, TP Bảo Lộc và Đà Lạt; 304 ha chè chất lượng cao tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh; hơn 143 ha cao su ở 2 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên; gần 70 ha chanh dây tại TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đam Rông. 
 
Đặc biệt, chuyển đổi đất lúa sang trồng rau, đậu đã tăng doanh thu 3 - 4 lần tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương; sang trồng bắp, rau, dưa hấu tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tăng doanh thu 2 - 3 lần. Riêng trong giai đoạn gần 10 năm qua tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai chuyển đổi từ 300 ha diện tích điều hiệu quả kinh tế thấp sang trồng sầu riêng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nên hàng năm thu hoạch với mức đột phá thu nhập cho người sản xuất. 
 
So với năm 2021, các loại giống cây trồng chuyển đổi, cải tạo trong năm 2022 đã tăng thêm đáng kể về diện tích tương ứng sản lượng thu hoạch như: cây ăn quả (gần 2.098 ha; gần 42.786 tấn); cây dâu tằm (428,5 ha; hơn 14.790 tấn); cây mắc ca (873,8 ha; 1.635 tấn)…
 
•  GIẢM HƠN 4.190 HA CÂY TRỒNG KÉM HIỆU QUẢ
 
Tuy nhiên, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn còn hơn 45.000 ha canh tác cây trồng kém hiệu quả. Mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu giảm xuống còn 40.822 ha, tương ứng giảm tỷ lệ từ 15% xuống còn 13,6% trên tổng diện tích canh tác. Cụ thể, tiếp tục tái canh, ghép cải tạo 7.068 ha cà phê tại Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương; chuyển đổi 1.828 ha đất lúa tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và Đam Rông sang trồng rau, hoa, đậu, khoai lang, dâu tằm, cỏ chăn nuôi; hơn 1.072 ha cây điều sang trồng sầu riêng, dâu tằm, các loại cây ăn quả khác tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đam Rông; gần 3.105 ha chuyển đổi các loại cây trồng khác trên địa bàn 8 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông và 2 TP Đà Lạt, Bảo Lộc. 
 
Đi vào triển khai hiệu quả chuyển đổi từng loại cây trồng trong năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng xác định nhóm giải pháp trước hết phải “rà soát, đánh giá diện tích cây trồng kém hiệu quả (giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm) đến từng thôn, bản của xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành trong tỉnh. Qua đó phân loại theo cây trồng, nông hộ, tập quán canh tác…để xây dựng phương án gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi liên kết…”. 
 
Bước tiếp theo, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi sản xuất trái vụ các loại cây ăn quả chủ lực như sầu riêng, bơ, mắc ca… phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương. Trong đó, chú trọng trồng xen cây ăn quả trên diện tích vườn cây công nghiệp dài ngày và trồng thử nghiệm cải tạo vườn tạp, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ để nhân rộng trên địa bàn. 
 
Đặc biệt, với giải pháp phát triển hơn nữa chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng hy vọng tạo ra sản phẩm cây trồng đa dạng trong vùng chuyển đổi đồng nhất về chất lượng để được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng trên thế giới…
 
VĂN VIỆT