(LĐ online) - Sau khi Báo Lâm Đồng Online ngày 8/8 đăng bài viết Đột nhập hầm khai thác các lậu tại vùng giáp ranh tại tiểu khu 471 thuộc địa bàn Thôn 1, xã Lộc Tân, cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ một số phương tiện, máy móc tại khu vực này.
Công an huyện Bảo Lâm tham gia kiểm tra hiện trường khai thác cát trái phép ngày 8/8 |
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao 5 xe máy đào - phương tiện chính để phục vụ cho hoạt động khai thác cát trái phép mà Báo Lâm Đồng ghi nhận được trong suốt quá trình điều tra tại đây đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng tạm giữ và xử lý?
• VÌ SAO KHÔNG TẠM GIỮ 5 XE ĐÀO?
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bảo Lâm, sau khi Báo Lâm Đồng đăng bài, ngày 8/8, Phòng đã phối hợp với UBND xã Lộc Tân và Công an huyện kiểm tra hiện trường. Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận khu vực tác động nằm hoàn toàn trong ranh đất của Công ty Cổ phần Khoáng sản Ngân Long và Chi nhánh Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng - Xí nghiệp Hiệp Tiến. Vị trí này trước đây 2 công ty khai thác cao lanh nhưng chưa được hoàn nguyên.
Khu vực kiểm tra có dấu hiệu các đối tượng dùng máy đào, máy bơm công suất lớn sàng cát tác động đến một phần diện tích tại 2 vị trí. Cả 2 vị trí này tại thời điểm kiểm tra không có người, không có hoạt động khai thác khoáng sản, chỉ có các chòi tạm, dàn sàng, máy bơm hút cát và hệ thống ống dẫn nước, hiện trạng có sự tác động của hoạt động khai thác khoáng sản.
Khi cơ quan chức năng đến làm việc, các đối tượng đã rời khỏi hiện trường. Sau khi đánh giá tình hình, các thành viên tham gia đoàn kiểm tra đã tiến hành phá dỡ và tạm giữ một số phương tiện, máy móc.
Đường vận chuyển từ hầm khai thác cát lậu về hướng phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc |
Đến ngày 10/8, Phòng Tài nguyên Môi trường tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an huyện Bảo Lâm kiểm tra hiện trường tại các vị trí nêu trên. Qua kiểm tra ghi nhận, tại vị trí 1, diện tích có dấu hiệu tác động khai thác khoáng sản trái phép khoảng 383 m²; vị trí 2 diện tích khoảng 2.471 m², tại đây cũng ghi nhận diện tích bãi tập kết cát khoảng 224 m². Ngoài ra, sát đường đất cạnh rừng keo còn có 2 vị trí tập kết cát, sỏi, đá diện tích lần lượt khoảng 36 m² và 87 m².
Sau khi thu giữ 4 xe máy, 1 máy cày, 3 máy nổ và một số phương tiện, máy móc khác về trụ sở, UBND xã Lộc Tân đã thông báo tìm chủ các phương tiện bị tạm giữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ đối tượng nào đến liên hệ. Phòng Tài nguyên Môi trường cũng cho biết: Hiện nay, Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, truy tìm đối tượng khai thác cát trái phép tại vị trí trên. Ngày 17/8, phóng viên Báo Lâm Đồng cũng đã liên hệ với lãnh đạo Công an huyện Bảo Lâm và được cho biết hiện tại Công an huyện đã có báo cáo gửi Công an tỉnh Lâm Đồng về vụ việc này.
Điều đáng nói là trong quá trình điều tra tại hiện trường, phóng viên Báo Lâm Đồng ghi nhận thường xuyên có 5 xe đào hoạt động tại bãi cát lậu này. Ngay sau khi bài viết được đăng vào sáng 8/8 thì 5 xe đào này chia thành 2 hướng tháo chạy khỏi hầm cát về nơi ẩn nấp và Báo Lâm Đồng cũng đã có thông tin phản ánh. Thế nhưng, đến hiện tại, các xe đào này đều không được ghi nhận trong các báo cáo của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết: Trong ngày đầu tiên tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận có 2 xe đào nằm phía trên đầu đường ra khỏi bãi cát. Tuy nhiên, do 2 xe này không còn nằm trong vị trí khai thác cát trái phép và đã di chuyển về xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc nên lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm không có cơ sở để lập biên bản tạm giữ phương tiện.
Một vị trí bị đào bới bằng xe cơ giới sát với hầm khai thác cát lậu tại tiểu khu 471 (Thôn 1, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) mà phóng viên Báo Lâm Đồng ghi nhận được trong quá trình tác nghiệp tại đây |
Trong khi đó, ngay trong sáng 8/8, phóng viên Báo Lâm Đồng ghi nhận 3 xe đào đã "tẩu thoát" khỏi hầm cát lậu theo một hướng khác về phía phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc. Trong quá trình di chuyển ra khỏi bãi cát, khoảng 10 giờ 42 phút, 3 xe đào này đã chạm mặt với một xe bán tải biển kiểm soát 49C 241xx ghi tên cửa hàng vật liệu xây dựng H.G. Sau khi các bên gặp nhau trao đổi trong một thời gian ngắn khoảng 10 phút thì 3 xe đào này đã tiếp tục rời khỏi hiện trường, còn xe bán tải chạy về phía hầm cát nhưng liền quay trở ra ngay sau đó.
Chiếc xe bán tải này được phóng viên Báo Lâm Đồng xác minh nhiều ngày sau đó và xác định được đây là xe của ông P.Q.H - Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng H.G. Ông H. xác nhận trong ngày 8/8, ông có cho một cán bộ Công an huyện Bảo Lâm tên Th. mượn chiếc xe này nhưng không biết để đi đâu, làm gì. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân xác nhận chiếc xe này được Công an huyện và Công an xã "trưng dụng" để đi vào hiện trường vụ khai thác cát trái phép.
Vậy, tại sao Công an huyện Bảo Lâm và Công an xã Lộc Tân không lập biên bản tạm giữ phương tiện là 3 xe máy đào có dấu hiệu vi phạm ngay thời điểm được xem là “bắt quả tang” vào sáng 8/8?
• THAM GIA ĐOÀN KIỂM TRA NHƯNG VÌ SAO CÔNG AN KHÔNG KÝ BIÊN BẢN?
Liên quan đến bài điều tra của Báo Lâm Đồng, các báo cáo của UBND xã Lộc Tân và của Phòng Tài nguyên Môi trường đều thể hiện có sự phối hợp với Công an huyện Bảo Lâm trong quá trình kiểm tra hiện trường. Đồng thời, trong văn bản chỉ đạo của UBND huyện Bảo Lâm cũng giao Phòng Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an huyện Bảo Lâm và UBND xã Lộc Tân kiểm tra, xử lý dứt điểm khai thác cát lậu trên địa bàn mà Báo Lâm Đồng phản ánh.
Tuy nhiên, trong biên bản kiểm tra ngày 8/8 của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bảo Lâm lại không thể hiện thành phần tham gia có đại diện Công an huyện Bảo Lâm. Giải thích về việc này, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường Bảo Lâm cho rằng Công an huyện có cử người tham gia đoàn kiểm tra nhưng lấy lý do chỉ đi “hỗ trợ” nên không ký biên bản. Việc công an không ký biên bản không làm thay đổi kết quả kiểm tra hiện trạng (?).
Trong khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành này được thành lập để thực thi nhiệm vụ kiểm tra định kỳ và đột xuất các vị trí thường phát sinh khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn các xã, trong đó có xã Lộc Tân, theo Quyết định 1012 của UBND huyện Bảo Lâm ngày 10/7/2023.
Thành phần của đoàn gồm 8 người, trong đó có cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an huyện Bảo Lâm. Về phân công nhiệm vụ, Công an huyện chủ động phối hợp cùng các ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn; lập biên bản lấy lời khai các tổ chức, cá nhân vi phạm để xác định quy mô, thời gian khai thác; hướng dẫn UBND cấp xã trong việc tạm giữ phương tiện, tang vật…
2 máy bơm hút cát nằm sâu trong cánh rừng sản xuất của một công ty tại tiểu khu 471 (Thôn 1, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) |
Việc tham gia đoàn kiểm tra nhưng từ chối ký biên bản cho thấy cá nhân cán bộ Công an huyện chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, cũng đặt ra câu hỏi về tính pháp lý trong quá trình kiểm tra hiện trạng khu vực khai thác cát trái phép này, nhất là việc không niêm phong, thu giữ 2 phương tiện là xe máy đào mà Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho rằng không có cơ sở.
• KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP ĐÃ KÉO DÀI NHIỀU NĂM
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, từ cuối năm 2013, Công ty đã hết giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ trầm tích xã Lộc Tân. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát, của các đối tượng vẫn thường xuyên diễn ra tại khu vực này (khu vực khai thác cát lậu mà Báo Lâm Đồng phản ánh - PV).
Công ty đã nhiều lần có báo cáo và đề xuất Sở Tài nguyên Môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm hỗ trợ để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Những lần báo cáo của Công ty đều gửi kèm hình ảnh khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này.
Khu vực khai thác cát lậu mà Báo Lâm Đồng phản ánh đã diễn ra trong một thời gian dài làm biến dạng địa hình |
Ông Lê Nam Đồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng cho biết: Việc khai thác khoáng sản trái phép liên tục xảy ra làm thay đổi liên tục hiện trạng khu vực mỏ nên Đề án đóng cửa mỏ mà Công ty đã lập và trình phê duyệt không được thông qua khi Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ của Sở Tài nguyên Môi trường đi kiểm tra thực địa.
Dù Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý nhưng sau đó tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, theo nhiều văn bản báo cáo của cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm thì những lần kiểm tra tại đây đều "không phát hiện, không ghi nhận hoạt động khai thác khoáng sản trái phép" (!?).
Từ năm 2015 trở lại đây, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, mua bán, tập kết, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh; trong đó, có không ít văn bản chỉ đạo trực tiếp về công tác này tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Thế nhưng, tại một số khu vực; trong đó, có khu vực khai thác cát trái phép mà Báo Lâm Đồng có bài điều tra đăng tải ngày 8/8/2023, tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, mua bán cát trái phép chưa được xử lý triệt để, diễn ra ngày càng phức tạp, quy mô, mức độ có chiều hướng gia tăng, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm nguồn nước.
Quyền trưng dụng, huy động tài sản Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an và Luật Công an Nhân dân 2018 quy định chức năng, quyền hạn của công an có quyền trưng dụng phương tiện của cá nhân, tổ chức để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, an ninh trật tự giao thông nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm. Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 5 của Thông tư 01/2016 quy định về quyền hạn của lực lượng cảnh sát giao thông được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đó theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhân dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm. Tại Khoản 16 Điều 16 Luật Công an Nhân dân năm 2018 quy định công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định. Các trường hợp được trưng dụng là các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Trong những tình huống khẩn cấp, cảnh sát không có khả năng, không có phương tiện truy đuổi những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm tới xã hội thì buộc phải trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của người dân. Ngoài ra, thuật ngữ trưng dụng và huy động có thể có hình thức giống nhau nhưng khác nhau về trình tự, thẩm quyền. Huy động mang nhiều tính tự nguyện, không thể bắt buộc. Người có tài sản huy động có thể từ chối, tuy nhiên cũng có thể bị chế tài. Trưng dụng thì chặt chẽ hơn, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Lúc này người có tài sản trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự. Luật sư Trương Văn Hoàng - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin