Sau hơn 2 tháng áp dụng xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát (phạt nguội) tại huyện Đơn Dương, đa số các phương tiện lưu thông qua đây đều nghiêm túc tuân thủ quy định. Phạt “nguội” bắt đầu phát huy hiệu quả “nóng”, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của người dân.
Hệ thống camera giám sát tại Công an huyện Đơn Dương |
Theo thống kê của Công an huyện Đơn Dương, sau 2 tháng triển khai phạt “nguội” các trường hợp vượt đèn đỏ từ hệ thống camera tầm thấp được trang bị tại các nút giao thông, đoạn Quốc lộ 27 qua huyện Đơn Dương, ghi nhận đã gửi biên bản xử phạt trên 600 ô tô vi phạm. Các biên bản phạt “nguội” đã được chuyển về các địa phương nơi phương tiện đăng ký chính chủ, với mức xử phạt theo quy định là 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng.
Toàn bộ hình ảnh camera giám sát được truyền trực tiếp về trụ sở Công an huyện Đơn Dương, tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh - IOC của huyện, đồng thời, cán bộ trực ban có trách nhiệm quan sát, theo dõi màn hình camera. Khi phát hiện những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông (TTATGT), cán bộ trực ban sẽ thông báo ngay đến lãnh đạo Công an huyện để kịp thời phân công lực lượng xác minh, giải quyết, không để phát sinh thành các vụ việc phức tạp. Nhờ có hệ thống camera này mà tình hình an ninh trật tự, TTATGT trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, làm rõ nhiều vụ việc. Qua quan sát hệ thống camera, khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm TTATGT, cán bộ trực ban sẽ trích xuất hình ảnh bảo đảm đầy đủ các yếu tố về thời gian, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. Trên cơ sở đó, cán bộ chuyên môn sẽ tiến hành xác minh thông tin phương tiện, đồng thời, mời người điều khiển phương tiện vi phạm đến trụ sở để làm việc hoặc gửi biên bản xử phạt về các địa phương chủ phương tiện đăng ký thường trú.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông với các mức cụ thể như sau: - Người điều khiển phương tiện giao thông là xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ các loại bị phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng theo điểm Đ khoản 2 Điều 8. - Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng theo điểm A khoản 5 Điều 5 đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi vượt đèn đỏ và hình phạt bổ sung sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo điểm B khoản 11 Điều 5. - Phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy theo quy định tại điểm E khoản 4 Điều 6. Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo điểm B khoản 10 Điều 6. - Theo điểm Đ khoản 5 Điều 7, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng theo điểm A khoản 10 Điều 7. |
Việc triển khai xử phạt “nguội” qua hệ thống camera giám sát giao thông tại huyện Đơn Dương đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Hệ thống này không chỉ hỗ trợ tích cực cho lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT mà còn phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo Trung tá Nguyễn Hồ Lưu - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đơn Dương: Xử phạt vi phạm về trật tự ATGT thông qua hệ thống camera giám sát giao thông đã và đang phát huy hiệu quả trong thay đổi ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia của người dân và các phương tiện lưu thông qua tuyến Quốc lộ 27, trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ. Nhiều người dân nhận định phạt “nguội” nhưng hiệu quả "nóng" bởi nhờ đó giám sát giao thông tốt hơn, ý thức người dân được nâng cao. Ghi nhận thực tế tỉ lệ chấp thuận đóng phạt đã cao hơn khi mới triển khai, góp phần giảm vi phạm giao thông, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, việc phạt “nguội” còn đảm bảo tính công khai, minh bạch suốt quá trình xử lý, người dân thậm chí có thể ngồi ở nhà nộp phạt qua mạng hoặc nộp tại công an nơi cư trú.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Sau khi áp dụng thí điểm ở 1 số địa phương trong đó có huyện Đơn Dương, việc phạt nguội đã đem lại hiệu quả rõ rệt, hiện nay, đã được cấp trên chỉ đạo nhân rộng ra toàn tỉnh ở tất cả các huyện, thành phố. Việc triển khai phạt “nguội”, vừa đảm bảo việc xử lý nghiêm các vi phạm, vừa có tính tuyên truyền, giáo dục cao. Bên cạnh đó, còn nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện trong trường hợp cho mượn, sang nhượng nhưng không đổi chủ.
Có thể thấy, việc phạt nguội qua hệ thống camera giám sát đang mang lại hiệu quả, tạo sức răn đe và nâng cao ý thức tự giác, xây dựng văn hóa cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phạt “nguội” của lực lượng chức năng hiện vẫn gặp không ít khó khăn như tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không sang tên, chuyển chủ còn nhiều, chủ phương tiện thay đổi địa chỉ nhưng không đăng ký lại thông tin để lực lượng CSGT quản lý dẫn đến việc thông báo, yêu cầu người vi phạm đến xử lý phạt nguội gặp nhiều khó khăn.
Việc xử phạt “nguội” tại huyện Đơn Dương bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ giúp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT mà còn tuyên truyền, nhắc nhở người dân luôn phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ vắng bóng lực lượng CSGT.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin