Nhiều chính sách mới đột phá về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai (sửa đổi)

08:05, 12/03/2024

Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra nhiều chính sách mới trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp như: Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền đất nông nghiệp, người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...

Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới liên quan đến đất nông nghiệp
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới liên quan đến đất nông nghiệp

Nhiều chuyên gia đánh giá, đây thực sự là cuộc “cách mạng” về đất nông nghiệp, mang tính đột phá, kỳ vọng nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Nhiều quy định mới với đất nông nghiệp

Luật Đất đai sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương.

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định này, theo đại diện Ban soạn thảo Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.

Luật cũng bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa được Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

“Từ Nghị quyết 18, soi vào những quy định mới về đất nông nghiệp của Luật Đất đai năm 2024 chúng ta thấy rằng, các quy định mới đã tháo được những điểm nghẽn pháp lý, phát huy nguồn lực đất đai. Hiện nay, chúng ta cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cùng với đó, tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, rồi tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất”, PGS.TS Phạm Quang Tuyến cho hay.

Theo PGS.TS Phạm Quang Tuyến, Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo ra một “khoảng rất rộng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tính hấp dẫn trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Theo đó, Luật đã có những sự thay đổi rất tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người dân. Đồng thời, đã tháo gỡ được các điểm nghẽn pháp lý giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể tham gia vào thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điều này giúp khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất thông qua cơ sở pháp lý là tích tụ tập trung đất đai, tạo điều kiện đưa các công nghệ vào và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành nông sản, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh, sạch, có thể cạnh tranh và chinh phục thị trường của những quốc gia phát triển. 

Thêm nữa, với việc sửa đổi Luật Đất đai cũng đang tạo ra một mô hình, một sự chuyển đổi hoặc là sự kết hợp để làm bất động sản du lịch, nông nghiệp. Đây là một hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, có rất nhiều kỳ vọng cho những chính sách mới, đột phá liên quan đến đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024. Khi đi vào cuộc sống, những quy định mới được kỳ vọng là sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế, khai thác tối đa nguồn lực đất đai, xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến.

“Theo góc nhìn của tôi, Luật Đất đai 2024 đã bảo vệ tốt quyền lợi cho người nông dân khi phải bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, luật sẽ nâng cao việc sử dụng đất theo hướng thị trường, hiện đại. Một số chế định rất quan trọng như mở rộng đối tượng chuyển nhượng đất lúa. Trước đây chỉ có những người sản xuất được chuyển nhượng cho nhau thì chỉ ở phạm vi rất nhỏ, nhưng nay mọi cá nhân, tổ chức có năng lực đều được nhận chuyển nhượng. Nếu như người ta nhận chuyển nhượng mà tổ chức bài bản hơn, hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn thì đất đai sẽ phát huy hết tiềm năng, giúp phát triển nông nghiệp”, ông Tuấn nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng rằng, chế định này sẽ có thể giúp nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá theo hướng xuất khẩu, hội nhập quốc tế. Thêm nữa, chế định này cũng sẽ huy động được thêm nhiều nguồn lực vào phát triển nông nghiệp.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tránh ‘ngoại biên’ chính sách 

Với 260 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, Luật Đất đai là luật rất đồ sộ, các quy định của Luật Đất đai quá lớn, nhiều chính sách lớn trong luật chỉ quy định một cách nguyên tắc, chủ trương và phải được cụ thể, hướng dẫn ở những văn bản dưới luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, theo thống kê sơ bộ, có hơn 65% nội dung các văn bản dưới luật giao Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết. Chính phủ đã phân công soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai.

“Hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực ngày đêm triển khai, bởi quy định nhưng không có thủ tục, điều cụ thể đi kèm thì quy định của luật không thực hiện được. Ban hành kịp thời đã quan trọng, nhưng quan trọng nữa phải đồng bộ, và phải phù hợp với chủ trương chính sách trong luật đã quy định”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Kế hoạch do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký, sẽ có 9 nghị định và 6 thông tư nhằm triển khai thi hành Luật Đất đai. Riêng về đất nông nghiệp, chủ yếu ở Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai. Một số vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc là xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; xác định quy hoạch đất trồng lúa để các địa phương phải phân bổ đúng chỉ tiêu quốc gia; hướng dẫn trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích; hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để nhận quyền chuyển đổi đất trồng lúa, quy định thủ tục hành chính để ghi nhận các thỏa thuận dân sự này…

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, đây là thách thức rất lớn khi đất đai liên quan đến 118 luật và liên quan trực tiếp đến hơn 20 luật, đòi hỏi sự đồng bộ của Luật Đất đai so với các văn bản pháp luật khác. Do đó, các văn bản dưới luật phải quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất, đồng bộ, phù hợp thực tiễn để các cơ quan thực thi có thể áp dụng thực hiện. Nếu có sự xung đột hoặc khác biệt về quy trình sẽ gây đình trệ trong thực tiễn, tạo ra chi phí không cần thiết khi thực hiện

“Trong tổ chức thực cần phải quy định rất cụ thể, rất chi tiết, từng bước một thì các cơ quan thực thi mới dựa vào các quy định đó để thực hiện. Điểm đáng lưu ý là khi xây dựng quy định dưới luật cần tránh các kẽ hở hay gọi là ngoại biên của chính sách. Tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở tạo lợi ích nhóm, vụ lợi… Tức là chúng ta phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chi tiết, cụ thể thì các ngành, địa phương mới có thể thực hiện được”, PGS.TS Phạm Quang Tuyến nhấn mạnh.

(Theo baotintuc.vn)