Dù có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, song tệ nạn ma túy một số địa phương trên địa bàn TP Đà Lạt vẫn diễn biến phức tạp, công tác cai nghiện, quản lý đối tượng nghiện ma túy cũng gặp không ít khó khăn. Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong việc ngăn chặn, đẩy lùi loại tệ nạn này…
Số người nghiện được uống thuốc methadone điều trị cai nghiện hay đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đạt hiệu quả chưa cao |
TP Đà Lạt được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng với quy mô dân số 258.014 người, thành phần dân cư có nguồn gốc từ nhiều miền của đất nước, đặc biệt có người dân tộc thiểu số bản địa K’Ho, Cil, Lạch đang sinh sống. Và với đặc đặc trưng là thành phố du lịch không giáp biên giới, không có các cửa khẩu, hải cảng… nên theo Công an TP Đà Lạt nhận định, các hoạt động về sản xuất tiền chất hay nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất… hầu như không có.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy tính đến ngày 14/3/2024 là 234 người, giảm 37 người so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 110 người so với cùng kỳ năm 2022. Lý do số người sử dụng trái phép chất ma túy giảm chủ yếu là số không có nơi cư trú ổn định chuyển nơi khác cư trú, số người lao động tự do, tiếp viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.
Trong đó, số người có quyết định áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tính là 109 người. Số người sử dụng trái phép chất ma túy đưa ra khỏi danh sách sau đó phát hiện tiếp tục sử dụng đưa lại vào sanh sách (tái sử dụng ma túy) 82 người. Có 6 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” đến ngày 14/3/2024. Tuy nhiên, không có vụ việc phạm tội hình sự, vi phạm giao thông do người sử dụng chất ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” gây ra trên địa bàn.
Người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện bắt giữ từ 1/1/2022 đến 14/3/2024 là 137 người, trong đó số vi phạm hành chính 75 người và phạm tội về ma tuý 62 người. Phạm tội khác, trong đó số phạm tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng 6 trường hợp, cướp giật, trộm cắp tài sản 28 trường hợp,… Riêng số người cai nghiện ma túy tới ngày 14/3/2024 là 174 người, gồm 60 người nghiện và 114 người nghi nghiện.
Theo Công an TP Đà Lạt, cơ quan thường trực phòng, chống ma tuý trên địa bàn báo cáo, thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, đúng trọng tâm và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, số vụ án ma túy được điều tra khám phá, số đối tượng được phát hiện và số lượng ma túy thu giữ năm sau nhiều hơn năm trước. Công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ và Nhân dân; ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy của các cấp, các ngành, mặt trận đoàn thể và quần chúng Nhân dân được nâng lên. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản đạt được. Số người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy giảm so với cùng kỳ năm 2022. 100% số người trong nhóm nguy cơ cao, dễ mắc được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng về phòng, chống ma túy;...
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố tình hình tội phạm ma túy còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trong đó tình trạng các đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để mua bán, tổ chức, chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có “bóng cười” có dấu hiệu gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, nghề nghiệp khác nhau..., với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Thời gian gần đây xuất hiện dạng ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống,... phát hiện thu giữ trong 3 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, qua trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an giám định chất bên trong các gói nilon là ma túy, có tổng khối lượng là 6,9814 gam.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống ma túy có lúc, có nơi còn hạn chế; hiệu quả cai nghiện thấp, tỷ lệ tái nghiện cao; số liệu người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang quản lý còn thấp, không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Đối với công tác xác định tình trạng nghiện, cơ sở y tế và đội ngũ y bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, việc xác định tình trạng nghiện đối với ma túy tổng hợp rất khó khăn, phức tạp các biểu hiện của người được xác định tình trạng nghiện ma túy có thể gây nhầm lẫn với các bệnh tâm thần khác. Ngoài ra, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay chưa đạt hiệu quả. Công tác cai nghiện bắt buộc tuy đã được chú trọng thực hiện nhưng còn thấp so với số người nghiện ma túy thực tế; cơ sở cai nghiện ma túy còn ít chưa đủ đáp ứng và chưa phát huy được hiệu quả cai nghiện;...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, các chỉ thị, nghị định về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của Trung ương, UBND tỉnh, Bộ Công an,... lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp. Trọng tâm là tăng cường tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy trong thanh thiếu niên và tại các địa bàn phức tạp; phát động mạnh mẽ phong trào tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý đối tượng, tổ chức triệt phá kịp thời các điểm, đường dây tàng trữ, mua bán, vận chuyển, tổ chức, chứa chấp sử dụng ma túy. UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu các ban, ngành chức năng liên quan phối hợp kiểm soát chặt các loại tiền chất ma túy trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các điểm mua bán, tân dược có chứa chất gây nghiện. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: karaoke, nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ, các khu resort và các cơ sở lưu trú khác nhằm ngăn chặn tình trạng đối tượng ma túy lợi dụng sơ hở để hoạt động…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin