Để Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu đi vào đời sống

05:01, 06/01/2020

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020...

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đây là một trong những luật có nhiều điểm mới, tác động mạnh tới đời sống người dân, trong đó thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” chính thức được luật hóa. 

 

Lực lượng CSGT Lâm Đồng kiểm tra tài xế có dấu hiệu uống rượu bia tối ngày 2/1/2020 trên đường Trần Phú. Ảnh: C.Thành
Lực lượng CSGT Lâm Đồng kiểm tra tài xế có dấu hiệu uống rượu bia tối ngày 2/1/2020 trên đường Trần Phú. Ảnh: C.Thành
 
Ghi nhận thực tế tại TP Đà Lạt tối ngày 2/1/2020, nhiều người uống rượu, bia vẫn không ngán mức phạt cao và vẫn tiếp tục vi phạm. Tại đường Bà Triệu, Trần Quý Cáp, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh… các quán nhậu vẫn đông đúc khách. Sau khi tan cuộc, nhiều người thay vì đi taxi hoặc đón xe ôm về nhà vẫn tự chọn phương tiện cá nhân điều khiển xe về nhà như mọi khi.
 
Như 22h ngày 2/1, tổ công tác giao thông gồm các chiến sĩ Phòng CSGT (PC08), Công an Lâm Đồng và Đội CSGT Công an TP Đà Lạt đã lập chốt kiểm tra nhiều phương tiện trên đường Trần Phú. Tổ công tác yêu cầu nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm tiến hành đo nồng độ cồn tấp vào lề đường, nơi có cọc phản quang phân làn để kiểm tra.
 
Trong số hơn 30 lượt kiểm tra, có 4 trường hợp tài xế đi xe ô tô có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Khi nghe CSGT công bố số tiền phải đóng phạt theo luật mới và thời hạn giữ giấy phép lái xe đối với lỗi vi phạm của mình, các tài xế đều tỏ ra bất ngờ, lúng túng. Tuy nhiên, theo Phòng PC08, các hình thức xử phạt thuộc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt còn khá mới mẻ đối với người dân. Thời gian có hiệu lực và thời gian thông qua luật rất gần nên việc triển khai chưa thể thực hiện kịp. Chính vì vậy, đợt kiểm tra nồng độ cồn như tối ngày 2/1, lực lượng CSGT sẽ chủ yếu áp dụng tuyên truyền, nhắc nhở tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân.
 
Công an Lâm Đồng cho biết, trước ngày Nghị định xử phạt mới có hiệu lực, Phòng PC08 đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai luật từ rất sớm, đồng thời chỉ đạo CSGT các đơn vị, địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
 
“Từ nay đến trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, chúng tôi đã lập chuyên đề, bố trí chốt kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện áp dụng theo Nghị định mới. Tuy nhiên, song song với đó công tác tuyên truyền, xử phạt nghiêm thì các đơn vị liên quan cần kết hợp với các giải pháp khác để thực hiện đồng bộ nhằm đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào cuộc sống” - một lãnh đạo Phòng PC08 nhấn mạnh.
 
MỨC CAO NHẤT 40 TRIỆU ĐỒNG
 
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về các mức phạt dành cho người vi phạm:
 
Đối với người điều khiển xe đạp:
 
Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở.
 
Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở.
 
Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
 
Đối với xe máy:
 
Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46/2016/NĐ-CP chưa quy định).
 
Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở.
 
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
 
Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
 
Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
 
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở.
 
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
 
Đối với ô tô:
 
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
 
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở.
 
Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
C.THÀNH