(LĐ online) - Chiều 24/6, bà P. T. N. Y (38 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) tới chi nhánh một ngân hàng tại Phường 11, TP Đà Lạt tất toán hai sổ tiết kiệm tổng số tiền 126 triệu đồng, chuyển vào tài khoản số 180010301003140 do Nguyễn Thị Hồng Nga làm chủ tài khoản tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam...
(LĐ online) - Chiều 24/6, bà P. T. N. Y (38 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) tới chi nhánh một ngân hàng tại Phường 11, TP Đà Lạt tất toán hai sổ tiết kiệm tổng số tiền 126 triệu đồng, chuyển vào tài khoản số 180010301003140 do Nguyễn Thị Hồng Nga làm chủ tài khoản tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam. Về tới nhà, bà Y mới giật mình biết rằng đã bị lừa liền tới ngân hàng trình báo sự việc thì đã quá muộn.
|
Nạn nhân và tin nhắn của đối tượng lừa đảo |
Theo bà Y, trưa cùng ngày, bà nhận được điện thoại của “nhân viên bưu điện” thông báo bà có một bưu phẩm chuyển tới từ Hà Nội chưa nhận. Bà Y phân trần thì “nhân viên bưu điện” nói đó là đơn khởi kiện của một ngân hàng tại Hà Nội. Sự việc được chuyển qua 3 người; trong đó, có người xưng là điều tra viên Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thông báo bà Y có liên quan đến tài khoản rửa tiền, buôn bán ma túy. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, các đối tượng thay nhau gọi điện đe dọa, uy hiếp bà Y. Chúng yêu cầu bà Y rút toàn bộ số tiền đang có ở các ngân hàng, chuyển vào tài khoản do chúng đưa ra để “đảm bảo công tác điều tra”.
Các đối tượng yêu cầu bà Y không được tiết lộ thông tin với bất cứ ai, kể cả người nhà và nhân viên ngân hàng. Trong lúc bà Y ra ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo, chúng yêu cầu bà Y phải giữ nguyên cuộc gọi, không được tắt để đảm bảo “giám sát chặt chẽ, không để lộ thông tin”.
Tin là sự thật, bà Y đã rút tiền chuyển vào tài khoản của nhóm lừa đảo này. Đại diện chi nhánh ngân hàng nơi bà Y rút tiền cho biết, sau khi bà Y tới trình báo sự việc, đơn vị đã liên hệ với ngân hàng nơi bà Y chuyển tiền tới để phong tỏa tài khoản. Nhân viên ở ngân hàng trên cho biết, trong một ngày, số tài khoản 180010301003140 mà bọn lừa đảo sử dụng đã có khoảng 100 lần thay đổi biến động số tiền.
Cách đây ít tuần, tại Đà Lạt một khách hàng đã rút 500 triệu đồng trong sổ tiết kiệm để chuyển vào tài khoản khác. Phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, nhân viên ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn vụ chuyển tiền này. Tình trạng lừa đảo qua điện thoại và chuyển tiền vào tài khoản cho bọn tội phạm đã xảy ra từ nhiều năm qua. Hình thức lừa đảo này không có gì mới nhưng tới nay rất nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của chúng.
K.LỊCH - V.BÁU