UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 17/5, đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng thông tại Tiểu khu 144B do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý, lâm phần thuộc địa bàn Phường 8, TP Đà Lạt…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chỉ đạo khởi tố vụ án, điều tra truy tìm thủ phạm phá rừng, xử lý nghiêm theo quy định |
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm, công khai vụ phá rừng tại lô a, b, Khoảnh 15, Tiểu khu 144B, Phường 8, TP Đà Lạt. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan để xử lý trách nhiệm theo quy định. Và đề nghị đơn vị chủ rừng khẩn trương tổ chức giải tỏa, lập hồ sơ trồng lại rừng trước ngày 10/6/2022.
UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tập trung điều tra, xử lý nghiêm vụ vi phạm theo quy định. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý rừng Lâm Viên phối hợp với Công an tỉnh trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý vụ việc. Khẩn trương tổ chức trồng lại rừng, không để đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng, sang nhượng diện tích rừng bị phá; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các nhân, tổ chức liên quan.
Trước đó, ngày 14/5, cơ quan chức năng TP Đà Lạt phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng trên. Đây được xem là vụ phá rừng thông ba lá lớn nhất tại TP Đà Lạt xảy ra từ trước đến nay. Các đối tượng thực hiện hành vi phá rừng rất liều lĩnh và coi thường pháp luật.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ rừng thông ở Tiểu khu 144B bị cưa hạ trái phép |
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, vụ phá rừng ở Tiểu khu 144B TP Đà Lạt có 318 cây thông ba lá, thuộc rừng tự nhiên, là rừng phòng hộ, đường kính gốc từ 10 - 45 cm đã bị cưa hạ trái phép; trữ lượng gỗ thiệt hại trên 92,5 m3. Tuy nhiên, thực tế số lượng thông ba lá bị triệt hạ tại đây chưa dừng lại ở con số đã nêu, bởi tại hiện trường còn có trên 100 cây thông khác cũng đang trong tình trạng vàng lá, chết đứng vì bị “đầu độc” bằng chất độc. Quan sát trong ngày 19/5, cả một khoảnh rừng thông tự nhiên rộng lớn tại khu vực này đã bị cưa hạ trái phép, cây gỗ vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường…
Có mặt tại hiện trường vụ rừng thông 3 lá của Đà Lạt bị cưa hạ trái phép, ông Lê Thái Sơn - quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, cho biết, vị trí rừng bị phá nằm sâu trong rừng, việc đi lại để sản xuất, vận chuyển gỗ là điều rất khó xảy ra nên mục đích phá rừng rất khó để xác định. Cũng theo ông Sơn, ngay sau khi phát hiện rừng bị phá, lực lượng chức năng của TP Đà Lạt đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định.
Một cán bộ, thành viên của Đoàn kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trong sáng 17/5 cho biết, hành vi cưa hạ thông rất liều lĩnh, các đối tượng dùng cưa máy cầm tay để cưa hạ hàng loạt. Với số lượng thông bị cưa đổ như thế này không thể diễn ra trong một ngày. Trong đó, một số cây chỉ mới bị cưa hôm qua, hôm kia, số còn lại có thể cưa lâu hơn một chút vì lá đã úa vàng, tức phải cưa rất nhiều ngày, và cưa thường xuyên ở đây, cứ cách nhau 2 - 3 ngày cưa một lần.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Bộ NN&PTNT, Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng để quản lý, bảo vệ hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật… |
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, đây là vụ cưa hạ rừng thông lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn. Khu vực này núi đồi hiểm trở, đi lại khó khăn, đây còn được xem là khu vực ít có nguy cơ tác động đến rừng. Vì vậy khi vụ phá rừng xảy ra là rất bất ngờ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ việc được phát hiện chậm, không kịp thời. Cũng theo ông Sơn, hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc, ngày 19/5, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng với lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khởi tố vụ án để điều tra vụ phá rừng thông Đà Lạt. Tại hiện trường vụ hàng trăm cây thông ba lá bị cưa hạ trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh khởi tố vụ án, lập chuyên án để điều tra, bằng mọi giá phải bắt được đối tượng để xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong vụ việc này không loại trừ có băng nhóm chuyên nghiệp, với kỹ thuật cắt hạ cây như thực tế hiện trường; đây là hành vi thách thức pháp luật và đối đầu với chính quyền. “Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là phải xử lý nghiêm, điều tra làm rõ để lấy đó làm bài học răn đe. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong việc tuần tra bảo vệ rừng. Sắp tới, tỉnh tiếp tục có biện pháp mạnh hơn trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để thấy được thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng thời gian qua” - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng thông tin, riêng vụ phá rừng cá biệt này, tỉnh sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Đây là vụ phá rừng rất lạ, nằm ở vị trí đường đi rất khó khăn, không có nguồn nước; phá rừng nhưng không thể đưa cây ra ngoài, không thể chiếm đất. Vụ phá rừng gây thiệt hại hơn 300 cây thông tuổi trưởng thành, đối với tỉnh Lâm Đồng đây là tài sản lớn. Bởi để trồng được khu rừng như vậy rất khó khăn, xảy ra vụ việc như thế rất xót xa, không thể chấp nhận.
THỤY TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin