Có bắt buộc ký hợp đồng xử lý chất thải với đơn vị trúng thầu dịch vụ công ích?

02:06, 11/06/2022
Công ty của bà Lê Thị Tú Anh kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường nên công ty đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn với một đơn vị vệ sinh môi trường có đầy đủ năng lực theo quy định.
 
Tuy nhiên, sau đó công ty bà Tú Anh liên tiếp nhận được công văn của một công ty với nội dung yêu cầu công ty bà phải ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường với công ty này với lý do, công ty này đã trúng thầu gói thầu Dịch vụ công ích duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông.
 
Bà Tú Anh nhận thấy, không có quy định pháp luật nào quy định việc công ty bà chỉ được phép ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường với đơn vị trúng thầu dịch vụ công ích duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông.
 
Vì vậy, bà hiểu rằng, công ty bà có thể lựa chọn chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường cho bất kỳ đơn vị nào có năng lực phù hợp cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật.
 
Bà Anh hỏi, công ty bà có bắt buộc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường với công ty đã trúng thầu nêu trên hay không?
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
 
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện như sau:
 
"1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
 
2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng sau:
 
a) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại Khoản 1, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường;
 
b) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này nhưng có hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại Khoản 1, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường;
 
c) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này nhưng có hợp đồng chuyển giao với cơ sở tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điểm d Khoản này;
 
d) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường;
 
đ) Cơ sở xử lý do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại Khoản 2, Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường. Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong trường hợp này phải bằng phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
 
e) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc sản xuất phân bón phù hợp đối với chất thải thực phẩm".
 
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, theo quy định tại Khoản 1, Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
 
"a) Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
 
b) Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;
 
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
 
d) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c Khoản này".
 
Do vậy, công ty của bà Lê Thị Tú Anh có thể lựa chọn việc chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường cho các đơn vị nêu trên, không bắt buộc phải chuyển giao cho đơn vị trúng thầu dịch vụ công ích duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông.
 
(Theo Chinhphu.vn)