Cơ sở lưu trú, khách sạn gắn camera trong phòng ngủ của khách có đúng luật?

11:06, 11/06/2022
(LĐ online) - Một cơ sở lưu trú theo dạng homestay tại TP Đà Lạt gắn camera trong phòng ngủ tập thể (dorm) của khách đã bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ. Mặc dù chủ cơ sở giải thích chỉ lắp camera để bảo vệ tài sản của du khách. 
 
Phòng ngủ tập thể của homestay T.B.H. Hiện camera tại phòng này đã được chủ có sở gỡ bỏ. Ảnh: Homestay T.B.H.F cung cấp
Phòng ngủ tập thể của homestay T.B.H. Hiện camera tại phòng này đã được chủ có sở gỡ bỏ. Ảnh: Homestay T.B.H.F cung cấp
 
Tuy nhiên, việc gắn camera trong phòng ngủ có vi phạm quyền riêng tư cá nhân, chủ cơ sở có được phép hay không? Đây đang được câu hỏi nhiều du khách, chủ cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố quan tâm.
 
•  GHI HÌNH ĐỂ BẢO VỆ TÀI SẢN DU KHÁCH
 
Sáng 11/6, Phòng Văn hoá Thông tin TP Đà Lạt cho biết, trong sáng 10/6, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố do đơn vị chủ trì đã kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch T.B.H.F (đường Triệu Việt Vương, Phường 3) liên quan đến phản ánh du khách về việc cơ sở lưu trú này có gắn camera trong phòng ở tập thể. 
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng Online, ông Lê Anh Kiệt - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin TP Đà Lạt, cho biết qua làm việc với chủ khách sạn, đoàn ghi nhận có việc chủ khách sạn gắn 1 camera trong 1 phòng ngủ tập thể khoảng 8 người. Chủ cơ sở cho biết việc gắn camera không nhằm mục đích xấu, cốt để bảo vệ tài sản của du khách. Nơi gắn camera là nơi để đồ đạc của khách, tách biệt với khu phòng ngủ. Ở các phòng lưu trú dạng phòng riêng, cơ sở này không gắn camera.
 
“Ngay khi nắm bắt thông tin du khách phản ánh trên mạng xã hội, chúng tôi đã kiểm tra vụ việc và xác nhận có việc chủ cơ sở gắn 1 camera trong phòng ngủ tập thể, tại vị trí dễ dàng nhìn thấy để bảo vệ tài sản cho khách. Về quy định pháp luật không có cơ sở để xử phạt cơ sở lưu trú này. Tuy nhiên, việc gắn camera có thể phát sinh một số vấn đề liên quan đến sự riêng tư của du khách cho nên chúng tôi đã yêu cầu cơ sở lưu trú trên tháo camera; đồng thời, có biện pháp khác như làm tủ khoá đồ để tránh việc mất cắp” – ông Kiệt cho biết. 
 
Ông Trần Quang Sang - chủ cơ sở homestay T.B.H.F cho biết, ông đã lắp camera tại phòng khách tập thể này được hơn 4 năm, đặt tại vị trí khách có thể quan sát dễ dàng nhất. Mục đích duy nhất theo ông Sang là để bảo vệ tài sản cho khách bởi phòng tập thể 8 giường đơn thường xuyên phải ghép các khách lẻ với nhau, có nhiều tài sản giá trị như máy ảnh, laptop. Trong quá trình lưu trú tại homestay, nhiều du khách đã yêu cầu cần xem lại camera để kiểm tra vật dụng cá nhân, thậm chí yêu cầu phải có camera tại phòng tập thể trước khi đặt phòng. Tuy nhiên, chủ sở homestay T.B.H.F cũng xác nhận không phải tất cả các khách khi nghỉ tại phòng dorm đều được cơ sở trao đổi trước việc có camera tại phòng ngủ.
 
•  LUẬT QUY ĐỊNH KHÁCH CHƯA ĐỒNG Ý, KHÔNG ĐƯỢC GẮN CAMERA 
 
Như vậy, qua kiểm tra phản ánh của du khách, các đơn vị chức năng địa phương cho biết không có quy định cụ thể về việc khách sạn có được gắn camera trong phòng lưu trú.Câu hỏi đặt ra ở đây là việc các cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay trên địa bàn TP Đà Lạt có được phép lắp camera tại phòng ngủ (kể cả phòng tập thể hay phòng đơn) khi chưa được sự đồng ý của du khách hay không?
 
Về vấn đề này, Luật sư Trương Văn Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng nhận định: Theo luật hiện hành, khách sạn, nhà nghỉ có thể gắn camera nếu có sự đồng ý của người ở bằng văn bản kèm theo các cam kết sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư. Nếu xác định hình ảnh của mình bị phát tán, sự riêng tư bị xâm hại có thể khởi kiện. Nếu cơ sở lưu trú tự ý gắn camera trong phòng nghỉ, nhà tắm được xem là một hành động trái pháp luật vì nó xâm phạm bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự.
 
“Việc chủ khách sạn, nhà nghỉ lắp đặt camera ghi hình ở những nơi rất riêng tư trong phòng ngủ dù mục đích ghi hình chỉ nhằm để chống trộm hay để lấy chứng cứ với mục đích “bảo vệ mình khi có chuyện” hay là bất cứ lý do gì khác thì việc ghi hình của người khác mà chưa được sự đồng ý của cá nhân họ là đã vi phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân. Đây là quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2005” - Luật sư Hoàng cho hay.
 
Cũng theo Luật sư Trương Văn Hoàng, trường hợp chủ khách sạn lắp camera tại phòng ngủ nhưng chưa được sự đồng ý của khách; khi các hình ảnh được ghi lại bị phát tán lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người có hình ảnh hoặc đe dọa để tống tiền, gây áp lực buộc người có hình ảnh trong đoạn clip thực hiện một việc trái với ý muốn của họ nhằm chiếm đoạt tài sản… thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng được định trong Bộ luật Hình sự, như: Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135); tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253).
 
CHÍNH THÀNH