Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

VIẾT TRỌNG 00:54, 13/01/2023

Các cấp trong tỉnh cần lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và nên thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Xử lý rác thải tại Nhà máy Xử lý rác thải Đơn Dương
Cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Xử lý rác thải tại Nhà máy Xử lý rác thải Đơn Dương

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC 

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong năm 2022 vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Cụ thể, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng, được triển khai khá đồng bộ ở các cấp trong tỉnh nên đã có những hiệu quả nhất định trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong tỉnh đến nay không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, thành trong tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường các lưu vực sông, thể hiện được vai trò, vị trí của tỉnh Lâm Đồng ở đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai.

Cùng đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh cũng từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả khả quan hơn. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đã lập hồ sơ môi trường theo đúng quy định hiện hành; có ý thức trong việc đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Ngành chức năng tỉnh cùng chính quyền địa phương nhiều nơi đã kịp thời kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, không để tình trạng gây ô nhiễm kéo dài ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng dân cư tại địa phương.

Một điểm quan trọng khác nữa chính là việc phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... các cấp trong bảo vệ môi trường. Ngành chức năng tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo vệ môi trường, tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức ra quân, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong bảo vệ môi trường. Hầu hết các xã, phường trong tỉnh hiện nay đều tổ chức các hoạt động “sáng, xanh, sạch, đẹp”, huy động các cộng đồng dân cư ra quân “Ngày Chủ nhật xanh vì môi trường”, tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và giám sát việc thực hiện các chương trình hành động về bảo vệ môi trường ngày một hiệu quả hơn.

XÂY DỰNG NẾP SỐNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiện, một số dự án nhà máy xử lý rác thải trong tỉnh vẫn triển khai tiến độ rất chậm; nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh còn ít và chưa được đầu tư tập trung, chưa đáp ứng yêu cầu chiến lược và thiếu bền vững. Lâm Đồng đến nay chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là cho việc bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Cùng đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tập trung vào nhóm dịch vụ công ích trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở này chủ yếu xin hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương, vì vậy việc xử lý triệt để các cơ sở này vẫn còn rất khó khăn về nguồn vốn, tiến độ thực hiện chậm. 

Trong tỉnh còn một số cơ sở sản xuất do điều kiện hạn hẹp về tài chính, về diện tích đất sản xuất, kinh doanh do nằm xen kẽ trong khu dân cư nên việc xây dựng hệ thống xử lý còn hạn chế, gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường xung quanh; việc phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được triển khai đồng bộ do chưa đầy đủ hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật.

Nhiều giải pháp khắc phục đã được Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đưa ra trong thời gian đến. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị công ích, các đơn vị chủ quản và cơ sở xử lý chất thải rắn được giao thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cũng như trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc phân loại, chuyển giao xử lý chất thải rắn.

Lâm Đồng cũng cần nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn theo quy định hiện hành; khuyến khích và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận để giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường, nhất là trong cộng đồng dân cư, trong các doanh nghiệp và trong trường học; vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải, khuyến khích người dân tham gia phân loại chất thải tại nguồn; xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các khu dân cư, trường học cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu rác thải tại nguồn; tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, thải bỏ chất thải rắn đúng nơi quy định.

Là một tỉnh nông nghiệp, ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cũng sẽ chú ý vận động, nâng cao ý thức người dân trong thu gom, phân loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tránh tình trạng tự chôn lấp, đốt, vứt bỏ ra môi trường hoặc bỏ lẫn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chung với rác thải sinh hoạt.

Cùng với đó, ngành chức năng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong bảo vệ môi trường; đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm vận động cộng đồng, thay đổi, tiến tới bỏ thói quen sử dụng bao bì, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm giảm phát sinh chất thải rắn; vận động và tổ chức ký cam kết chống chất thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa sử dụng một lần.

Và một điều quan trọng, theo Sở Tài nguyên - Môi trường, các cấp trong tỉnh cần lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường; bảo đảm hài hoà lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.