(LĐ online) - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10 -11/9/2023 có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Sự kiện còn diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây cũng chính là sự kiện đối ngoại quan trọng của hai nước, góp phần tạo động lực đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới.
Những thông điệp tích cực của chuyến thăm, thế giới càng hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, phát huy kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển với tầm vóc mới, trên cơ sở các nguyên tắc căn bản của quan hệ hai nước, trong đó có nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Tiếp nối truyền thống các Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm thăm Việt Nam ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước, chuyến thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden tiếp tục thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là cột mốc quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ hợp tác đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Điều đáng quan tâm là trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, các thế lực chống phá lại tiếp tục tung ra những luận điệu sai trái, cố tình tạo ra những cái nhìn méo mó về quan hệ hai nước. Có những kẻ phát ngôn hậm hực rằng, Hoa Kỳ đừng nên quan hệ với Việt Nam, rằng Hoa Kỳ cần đưa ra yêu sách buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi chế độ mới nâng cấp quan hệ hoặc suy diễn châm chọc rằng, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là “theo phe này, chống phe kia”..., nói như thế là không đúng với thực tiễn. Nên nhớ rằng, không chỉ hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ mà cả cộng đồng thế giới đều có cách nhìn thiện chí ghi nhận, trân trọng những nỗ lực trong bước tiến vượt bậc về quan hệ ngoại giao giữa hai bên bởi điều này còn có sự ảnh hưởng tích cực đến an ninh, hòa bình, sự đoàn kết, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Trải qua 28 năm kể từ khi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, nay đã nâng đến mức độ cao nhất cho thấy sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau của hai nước. Với sự chân thành, Tổng thống J.Biden chia sẻ rằng, trước đây, ông đã bỏ phiếu phản đối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam, yêu cầu chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ phải rút quân về nước. Ngay trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông J.Biden đã tưởng niệm và nhắc đến cố Thượng nghị sĩ John MeCain - người bắc cầu cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trên trang cá nhân, Tổng thống J.Biden viết: “Sau 50 năm tiến triển trong mối quan hệ giữa hai nước, từ xung đột đến bình thường hóa, tôi tự hào đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam - một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”... Điều đó cho thấy không chỉ riêng cá nhân Tổng thống mà Hoa Kỳ nói chung rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ngược lại với thực tế đó, những phần tử phản động lưu vong ở hải ngoại lại tỏ ra tức tối, tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam và việc nâng tầm mối quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các đối tượng đã phát tán nhiều bài viết có nội dung sai trái, xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như quan hệ của Việt Nam với nhiều quốc gia khác...
Cùng với quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, trong đó có hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp thường xuyên, tăng cường hiểu biết, làm sâu sắc quan hệ song phương, quan hệ kinh tế được xem là điểm sáng hợp tác giữa hai nước, dần trở thành trọng tâm, nền tảng và động lực phát triển trong quan hệ hai nước. Hoa Kỳ đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thứ 7 của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác đầu tư lớn và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng dần.
Hợp tác quốc phòng, an ninh phát triển tích cực. Hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Việc tẩy độc sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật ở các vùng bị nhiễm chất độc dioxin, viện trợ cho các dự án rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập và giám định hài cốt bộ đội Việt Nam trong chiến tranh được Hoa Kỳ tăng ngân sách. Đến nay, Việt Nam phối hợp tìm kiếm, xác định và trao trả hài cốt của hơn 700 quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Hợp tác y tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19 được coi là điểm sáng, hai bên hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc xin, phòng chống dịch bệnh. Hợp tác giáo dục có chuyển biến tích cực. Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và phối hợp ngày càng hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm được đặt ra là việc “Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”. Đây cũng là vấn đề mà các đối tượng chống đối thường lặp đi, lặp lại luận điệu cũ mòn ca thán “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Cụ thể, một số tổ chức phi chính phủ gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ khi sang thăm Việt Nam cần gây áp lực, can thiệp phải sửa đổi các điều luật mà các đối tượng cho rằng “mang tính chất đàn áp” (Điều 117 và 331 Bộ luật Hình sự và đòi bỏ Luật An ninh mạng...).
Rõ ràng là những lời bịa đặt, vu khống cũ mòn về nhân quyền ở Việt Nam. Họ cố tình làm ngơ những nỗ lực trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Thực tiễn cho thấy những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chính sách cho đồng bào dân tộc và đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật... Kết quả đó luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mới đây, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là một thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”.
Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định rõ, bảo đảm quyền con người là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời là động lực của chế độ. Để bảo đảm thực hiện đầy đủ và tốt hơn các quyền tự do chính đáng của Nhân dân, Nhà nước Việt Nam luôn đẩy mạnh và coi trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người; củng cố tăng cường các thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy thực thi quyền con người.
Dân chủ, nhân quyền là một vấn đề lớn, mỗi quốc gia thực hiện dân chủ, nhân quyền tùy thuộc vào tình hình chính trị-xã hội, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quyền con người. Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống J.Biden (10 -11/9) viết: “Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại nhân quyền, Đối thoại lao động Việt Nam-Hoa Kỳ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.
Hai nhà lãnh đạo khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay khuynh hướng tình dục và người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền con người. Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận quyền con người, ổn định khu vực, hòa bình thế giới và phát triển bền vững có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Hai bên ghi nhận những đóng góp mà các tổ chức xã hội và tôn giáo tiếp tục mang lại trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội ở cả hai nước”.
Người dân hai nước luôn khắc sâu đoạn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập Ngày 2/9/1945 của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin