Để hoàn thành chỉ tiêu về dân số và phát triển năm 2023

AN NHIÊN 00:20, 17/10/2023

Năm 2023, ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện 15 chỉ tiêu nghị quyết của Chính phủ và tỉnh giao; trong đó, có các chỉ tiêu về Dân số và Phát triển như: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh.

Chị Bùi Thị Minh - chuyên trách Dân số xã Tân Hà (Lâm Hà) đến nhà dân vận động, tuyên truyền về KHHGĐ
Chị Bùi Thị Minh - chuyên trách Dân số xã Tân Hà (Lâm Hà) đến nhà dân vận động, tuyên truyền về KHHGĐ

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Để hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn về Dân số và Phát triển năm 2023, mới đây, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường thực hiện công tác DS - KHHGĐ.

Theo báo cáo công tác Dân số và Phát triển 9 tháng năm 2023 của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, các chỉ tiêu chuyên môn cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chuyên môn chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch năm 2023, cụ thể: Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 73,7% (kế hoạch năm 76%); Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 64% (kế hoạch năm 70%); Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến đạt 53,7% (kế hoạch năm 60%)...

Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố sắp xếp, kiện toàn đội ngũ viên chức làm công tác dân số tuyến huyện, tuyến xã đủ số lượng, đúng chuyên ngành để triển khai kịp thời công tác dân số tại cơ sở. Tăng cường vận động đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai; đẩy mạnh các hình thức cung cấp các phương tiện tránh thai (PTTT) lâm sàng, phi lâm sàng qua các kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số và mạng lưới y tế cơ sở. Thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng PTTT theo chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh. Triển khai giám sát tình hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quyết định của Bộ Y tế và kế hoạch của Sở Y tế về theo dõi triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã giai đoạn đến năm 2030...

Đối với hoạt động sàng lọc sơ sinh, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh tương ứng với số bộ thu mẫu máu đã được phân bổ trong năm 2022. Đồng thời, Sở Y tế giao Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị triển khai và tổng hợp, báo cáo Sở Y tế kết quả thực hiện công tác Dân số và Phát triển trên địa bàn tỉnh theo định kỳ.

• CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH

Ông Vũ Văn Hoan - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết các giải pháp đề ra như sau: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể; tập trung triển khai tại các địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, địa bàn có đối tượng khó tiếp cận các hệ lụy về mất cân bằng giới tính khi sinh. Phổ biến, giáo dục và nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng. Triển khai các hoạt động theo kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Các huyện có mức sinh cao tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con hơn, vận động không kết hôn sớm và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh 2 con và có ý định sinh thêm con, với khẩu hiệu: “Dừng hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Bảo đảm cấp miễn phí phương tiện tránh thai hiện đại cho tất cả người dân có nhu cầu thông qua gói dịch vụ. Lựa chọn triển khai một số mô hình phù hợp can thiệp để không kết hôn và sinh con sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con.

Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Triển khai các hoạt động theo kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030. Thúc đẩy cung ứng phương tiện tránh thai chuyển từ cấp miễn phí sang tiếp thị xã hội, xã hội hóa và thị trường thương mại.

Đồng thời, mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh: Dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh và sơ sinh...