Giữ gìn nét đẹp văn hóa bên dòng Krông Nô

NDONG BRỪM 00:24, 25/01/2023

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, dòng Krông Nô hùng vĩ ngày nào nay vẫn xanh trong hiền hòa. Bên dòng sông xanh mát ấy, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc K'Ho, M’nông… vẫn được giữ gìn, duy trì và trao truyền cho thế hệ con cháu, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc bản địa Tây Nguyên cho đến mai sau. 

Đam Rông phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Đam Rông phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Huyện Đam Rông có trên 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 3 dân tộc tại chỗ là M’nông, Kơ Ho, Mạ. Với đồng bào dân tộc bản địa nơi đây, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên… là những hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần mỗi khi cộng đồng tổ chức các lễ hội truyền thống. Những nét đẹp văn hóa này đã và đang được cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. 

Cùng với Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, người dân mà đặc biệt là người trí thức, nghệ nhân, già làng tâm huyết, am hiểu về văn hóa truyền thống ở huyện Đam Rông vẫn luôn miệt mài, ghi chép, sưu tầm và lưu giữ để góp phần bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. 

Ngoài cồng chiêng đã được phát huy giá trị, kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói chung cũng khá đồ sộ từ truyền thuyết, truyện cổ tích, luật tục đến sử thi… cũng đã được các trí thức, nghệ nhân, già làng và người dân ở nơi đây quan tâm. Già Đa Cát Tư (dân tộc M’nông) - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đạ Tông, cho biết: Là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người M’nông nói riêng, sử thi Ot N’drong của người M’nông đã có các trí thức, nghệ nhân tâm huyết dày công sưu tầm và được lưu truyền. Còn với già Đa Cát Tư, những năm qua, già chủ yếu sưu tầm Mpơt Ntong, truyện cổ tích và 5.000 bài hát dân ca như: Ye Yăng Kon Tàng, Pan Yô Bồng Kon Chong… 

 

Già Đa Cát Tư tâm sự, có được vốn văn hóa dân gian M’nông như ngày hôm nay là nhờ từ thời thiếu niên già Tư nhiều lần theo ông cha tham dự các lễ hội văn hóa truyền thống và được nghe những bậc tiền bối hát đối đáp, giao duyên, hát kể về Mpơt Ntong, nên kể từ đó nó đã ngấm sâu vào máu thịt của già. Giờ già cũng đã 71 mùa rẫy rồi, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần, những truyện cổ tích, bài hát dân ca… vẫn còn hằn sâu trong tâm trí; dù vậy nếu không được lưu giữ bài bản, khoa học thì sẽ có nguy cơ bị mai một rất cao, bởi hiện nay trong cộng đồng người M’nông ở huyện Đam Rông hiếm có người còn am hiểu và có khả năng hát kể Mpơt Ntong rành mạch. Ý thức được điều đó, những năm qua, già Tư đã mày mò, học hỏi và tự mình đánh máy từng con chữ được hàng trăm trang giấy, có truyện cổ nay già đã đóng thành tập, góp phần lưu giữ tư liệu có giá trị cho đời sau. 

Theo già Đa Cát Tư: “Sử thi người M’nông thường đề cập đến các chủ đề chính về sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội; ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng; các cuộc chiến tranh và đề cao nhân vật anh hùng. Tóm lại, sử thi của dân tộc M’nông luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người M’nông; chứa đựng các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người, như: kể về các hiện tượng và quan hệ ứng xử để thích nghi, tồn tại và phát triển của con người trong môi trường tự nhiên; về sinh hoạt đời sống vật chất và tinh thần; về mối quan hệ gia đình, dòng tộc; về tính cách, lối sống phẩm chất con người…”. 

Ngoài già Đa Cát Tư còn nhiều nghệ nhân, già làng rất tâm huyết với văn hóa truyền thống, họ vẫn miệt mài duy trì giữ gìn và góp sức bảo tồn. Trong số đó, có thể kể đến già Ntơr Băng (nghệ nhân đan lát nghề truyền thống), Nghệ nhân dệt thổ cẩm Kơ Ja K’ Song (ở xã Đạ Long), Nghệ nhân cồng chiêng K’ Chung (xã Đạ K’nàng) và già làng Cil Nếu (xã Đạ Tông)… Họ xứng đáng được ghi danh là những “bảo tàng sống” của cộng đồng, của văn hóa dân gian, vì đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc bản địa ở địa phương. 

Trang phục thổ cẩm truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật đặc sắc
Trang phục thổ cẩm truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật đặc sắc

Nghệ nhân Kơ Ja K’ Song dân tộc K'Ho (nhánh Cil) là người say mê, tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống và cũng được học nghề từ các bà, các mẹ đi trước. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, những năm qua, bà K’ Song không những là người trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy, truyền lại kỹ thuật dệt, cách tạo hoa văn cho các học viên của lớp học nghề dệt thổ cẩm và bà con trong vùng, mà còn là người “truyền lửa” đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương. Hiện nay, con gái bà K’ Song là Kră Jăn Riôn đã mở tiệm may, nhận thiết kế để may đồ thổ cẩm, đầm thổ cẩm cách tân dùng mặc trong các dịp lễ hội, dạ hội… cho khách hàng có nhu cầu. “Tôi rất mừng vì Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa của các dân tộc. Chúng tôi hy vọng các cấp, các ngành cần sớm thành lập làng nghề, giúp bà con có nơi dệt, trưng bày sản phẩm, góp phần để thế hệ trẻ nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của ông cha”, Nghệ nhân Kơ Ja K’ Song phấn khởi.

Có thể khẳng định, những bài hát kể sử thi, bài hát dân gian, sản phẩm đan lát, trang phục thổ cẩm truyền thống và nhiều loại nhạc cụ khác… mà bà con đã và đang gìn giữ là những thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn Tây Nguyên. Những thành tố đó không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc, giá trị lịch sử của từng tộc người tồn tại từ nhiều đời nay, là thông điệp kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đặc biệt trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. 

Mùa xuân đã về với các bon làng bên dòng Krông Nô, đồng bào các dân tộc nơi đây háo hức chào đón xuân mới, chào mừng công trình Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc được huyện Đam Rông xây dựng tại xã Đạ Tông. Từ đây, những tiếng cồng, tiếng chiêng, những lời hát ru, giao duyên… mượt mà, đằm thắm và sâu lắng sẽ được tiếp nối, hòa quyện cùng những điệu múa xoang truyền thống vang vọng mãi khắp núi rừng Krông Nô.