(LĐ online) - Ngày 22/9, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Các đồng chí chủ trì hội thảo |
Các đồng chí: Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định, Bộ Xây dựng; Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng chủ trì hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo |
Tham dự hội thảo còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các sở ngành, đơn vị tư vấn, công ty xây dựng và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trung ương, địa phương; các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước và các chuyên gia nước ngoài.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh hội thảo lần này là nhằm đánh giá hiện trạng tình hình sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian vừa qua. Qua đó, xác định nguyên nhân, các yếu tố gây rủi ro, đề ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả từ bước dự báo thiên tai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, định hướng công tác thiết kế, thi công, vận hành, bảo trì các công trình bảo vệ mái dốc, tiêu thoát nước.
Hội thảo đã nghe trình bày trực tiếp 6 tham luận |
Hội thảo đã tiếp nhận 27 tham luận chia làm 3 nhóm vấn đề, gồm: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (5 tham luận); công nghệ và giải pháp (16 tham luận); dự báo, cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro sạt trượt (6 tham luận). Theo đánh giá, các bài viết, các ý kiến tham luận có nhiều góc nhìn đa chiều, từ kỹ thuật đến quản lý, từ lý thuyết tính toán đến giải pháp công nghệ cụ thể; từ phương pháp theo dõi, cảnh báo đến quy hoạch phân vùng rủi ro, quy định pháp luật về vận hành sử dụng…
Trình bày tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Có quá nhiều công trình xâm hại vô thung lũng. Quản lý nhà nước còn bất cập. Việc này không chỉ ở TP Đà Lạt mà ngay cả TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng vậy.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo |
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp cho biết đã đi khảo sát thực tế tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP Đà Lạt và nhận thấy, có một số công trình xây dựng đã chặt mất chân đồi, rất nhiều thung lũng, nơi nước đổ xuống ở Đà Lạt đã bị xâm hại, như vậy theo ông sẽ rất dễ gây ra sạt lở, ảnh hưởng không chỉ cho công trình đó mà các những công trình lân cận. Vì vậy, ông kiến nghị, công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng phải được quan tâm, thẩm định, thẩm tra, xét xem kỹ lưỡng, có trách nhiệm. Quá trình thẩm định, cấp phép cần quan tâm tìm hiểu, khảo sát xem khu vực đó có xuất hiện các cung trượt hay không mới thâm định, phê duyệt xây dựng công trình.
Ông Takami Kanno - Công ty Kawasaki Geological Engineering (Nhật Bản), trình bày tham luận tại hội thảo |
Trong khi đó, ông Takami Kanno - Công ty Kawasaki Geological Engineering (Nhật Bản), đã tham gia xử lý sạt trượt đất tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi (TP Đà Lạt), cho rằng việc lập bản đồ sạt trượt đất ở Đà Lạt và Lâm Đồng là vấn đề quan trọng. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông trao đổi: “Ngoài chỉnh lý quy định xây dựng, tôi cho rằng cần thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Trên cơ sở dữ liệu hình ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, quan trắc liên tục. Nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì áp dụng các quy định quản lý xây dựng phù hợp”.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức (Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo |
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức (Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẽ rằng: Câu chuyện Đà Lạt có thể nhìn kinh nghiệm của Hồng Kông. Sự phát triển của Hồng Kông 30 - 40 năm trước cũng tương tự Đà Lạt bây giờ: cũng làm nhà trên dốc, cũng xây dựng hạ tầng vớ mật độ cao trong đô thị. Và đây cũng là vùng lãnh thổ có lượng mua cực đoan cao ở một số thời điểm cao (150 mm).
Năm 1972 là năm Hồng Kông thiệt hại nặng nhất, 149 người tử vong do sạt lở đất. Từ năm 2010 đến nay, Hồng Kông không còn thiệt hại về người do sạt lở đất. Theo Giáo sư Đỗ Minh Đức, kết quả của Hồng Kông là sự nỗ lực trong việc thay đổi phương pháp quản lý trên nền tảng lưu tâm đến vấn đề sạt trượt đất, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong xây dựng công trình…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp nghe trình bày 6 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp tích cực chỉ ra thực trạng và đưa ra các giải pháp để phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ cho địa phương.
Quang cảnh hội thảo |
Sau khi lắng nghe ý kiến, tham luận, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cảm ơn sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia. Đồng chí thống nhất giải pháp cần xây dựng bản đồ cảnh báo ngập úng và sạt trượt đất, đồng thời giao Sở Xây dựng tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến trình UBND tỉnh có hướng xử lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng thể chế hoá những quy định cụ thể trong lĩnh vực xây dựng có liên quan đến sạt trượt, ngập lụt cục bộ để việc quản lý nhà nước thuận lợi và hiệu quả cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin