Cuối năm thường là thời gian các đối tượng tăng cường hoạt động chặt phá, xâm lấn đất rừng, đặc biệt là những vùng rừng giáp ranh, xa khu dân cư. Để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trong dịp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm đang siết chặt công tác bảo vệ rừng và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp với đơn vị chủ rừng tuần tra bảo vệ rừng giáp ranh trên địa bàn xã Lộc Bảo |
Hiện nay, huyện Bảo Lâm có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 82.018 ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm rừng đặc dụng 5.433 ha, đất rừng phòng hộ 9.902 ha và đất rừng sản xuất 66.683 ha. Diện tích rừng nêu trên do 51 đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước và 3 đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc) quản lý.
Với tinh thần chủ động và phối hợp chặt chẽ, thời gian qua, các đơn vị, địa phương có diện tích rừng giáp ranh đã tích cực, trách nhiệm trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng sinh sống ở khu vực giáp ranh.
Theo Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong và huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh giai đoạn 2022 - 2025. Nhờ công tác phối hợp ngày một hiệu quả, tại các khu vực giáp ranh, rừng không còn hiện tượng chặt phá trái phép cũng như giảm mạnh các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Bảo Lâm lâu nay được nhìn nhận có vùng rừng giáp ranh dài nhất, nhì trên địa bàn tỉnh. Nếu tính chiều dài cả đường thủy và đường bộ từ ranh hồ Thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 4 của xã Lộc Bắc, Lộc Bảo giáp ranh với hai huyện Ðắk Glong và Ðắk R’lấp đã dài gần 80 km và khoảng 15 km giáp với huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận). Riêng diện tích rừng giáp ranh với các huyện, thành nội tỉnh đã dài khoảng 300 km, gồm: TP Bảo Lộc, huyện Di Linh, Cát Tiên, Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai.
Do vùng rừng giáp ranh kéo dài, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm huyện (khu vực xa nhất gần 100 km) cộng với diện tích rừng tự nhiên giáp ranh phía Lâm Đồng nhiều hơn hẳn so với tỉnh Đắk Nông nên công tác quản lý, bảo vệ rừng lâu nay luôn gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đánh giá, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vùng rừng giáp ranh từ những năm 2016 trở về trước thường diễn biến phức tạp với một số vụ phá rừng nổi cộm, có tổ chức. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát nên trong những năm qua số vụ vi phạm đã giảm mạnh qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2022, tại khu vực vùng giáp ranh không xảy ra vụ vi phạm nào.
Để có được kết quả trên, hàng năm, đơn vị đã ký hợp đồng tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của 3 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo và Lộc Lâm (3 xã giáp ranh), kể cả tuyên truyền bằng hình thức lưu động. Lãnh đạo Hạt đã chỉ đạo cho kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Lâm nghiệp và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được 30 cuộc trên địa bàn 3 xã nói trên với hơn 1.000 lượt người tham dự.
UBND huyện Bảo Lâm cũng có các văn bản chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm chủ động trao đổi thông tin với Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh về tình hình, đối tượng vi phạm để thuận lợi cho việc điều tra, theo dõi và xử lý vi phạm với nhiều hình thức khác nhau như: trao đổi trực tiếp trong các cuộc phối hợp, hỗ trợ kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, bằng email, điện thoại, văn bản,… để hạn chế đến mức thấp nhất vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, ý thức được thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, công tác bảo vệ rừng luôn có các yếu tố khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc phức tạp nên ngoài việc triển khai các phương án, bố trí lực lượng, phân công gác trực, tuần tra bảo vệ..., Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đã và đang chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, không để công tác bảo vệ rừng rơi vào bị động. Trong đó, tập trung tăng cường việc phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch tuần tra rừng, thông tin, tuyên truyền đến người dân, hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin