Người dân bất chấp nguy hiểm băng qua cao tốc Liên Khương… không chỉ vì tiện

NGUYỄN NGHĨA – VÕ TRANG 15:00, 03/03/2023

(LĐ online) - Cao tốc Liên Khương - Prenn được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008.  Hơn chục năm qua, cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý triệt để tình trạng dải phân cách bị người dân đập phá để tạo những đường ngang, ngõ tắt cho một số phương tiện hai bên đường băng qua, bất chấp nguy hiểm.

Một phụ nữ chở con nhỏ chở con đi vào cao tốc để vào đoạn đường dân sinh chưa hoàn thành nhưng có khá đông phương tiện qua lại về đường nhỏ nối đến khu Làng Gà
Một phụ nữ chở con nhỏ đi vào cao tốc để vào đoạn đường dân sinh chưa hoàn thành nhưng có khá đông phương tiện qua lại về khu Làng Gà

BẤT CHẤP NGUY HIỂM BĂNG QUA CAO TỐC
Chiều ngày 1/3, để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đi ghi nhận và tìm hiểu từ điểm đầu đến điểm cuối của tuyến và đã liên tục chứng kiến rất nhiều hình ảnh người dân, chủ yếu là người dân sống và canh tác nông nghiệp hai bên đường đi xe gắn máy chở phân bón, rau củ, củi, hàng hoá, thậm chí chở cả con nhỏ đi ngược chiều và chạy xe máy băng ngang qua cao tốc để sang đường bất chấp nguy hiểm. Tình trạng này chủ yếu diễn ra trên đoạn cao tốc thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. 
Đứng quan sát trên 1 đoạn đường dân sinh đang làm dở dang thuộc xã Hiệp An, trước 1 ngõ nhỏ dẫn xuống khu vực làng Gà Đarahoa vào 4 giờ chiều, chỉ trong khoảng 10 phút, chúng tôi đếm được đến 20 trường hợp điều khiển xe gắn máy chở củi, hàng hoá, phân bón và cả con nhỏ băng ngang qua dải phân cách đã bị ai đó đập phá từ trước. Chị Ka Hiền (làng Gà Đarahoa, Định An, Hiệp An) cho biết: “Đoạn con lươn này không phải do tôi phá. Nhưng mà ngày nào tôi cũng phải qua lại chỗ này ít nhất là 2 lần. Mỗi lần băng qua đường như vậy sợ lắm, tuy nhiên do vườn của nhà tôi ở phía bên kia đường nên buộc phải liều băng qua bằng cách này”.
Quá trình trao đổi với người dân, chúng tôi nhận thấy, đa phần người dân cũng đều nhận thức được rằng việc đi tắt qua cao tốc kiểu này là sai, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện giao thông khác lưu thông trên cao tốc. Tuy nhiên, một số người dân cho biết họ làm liều vì không có đường đi nào khác để vào vườn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ tính riêng xã Hiệp An có hơn 200 ha đất nông nghiệp các hộ dân đã canh tác lâu năm từ trước khi hình thành cao tốc nhưng chưa có giải pháp về giao thông an toàn cho người dân hai bên đường.

Dọc tuyến cao tốc có khá nhiều hộ dân sinh sống, canh tác nông nghiệp hai bên đường tự mở lối đi ra cao tốc
Dọc tuyến cao tốc có khá nhiều hộ dân sinh sống, canh tác nông nghiệp hai bên đường tự mở lối đi ra cao tốc

CẦN SỚM XÂY DỰNG ĐƯỜNG GOM
Theo quan sát của chúng tôi, ở những đoạn cao tốc qua các xã như Hiệp Thạnh, Liên Hiệp đã được đầu tư đường dân sinh và bố trí hệ thống hàng rào chắn kiên cố dọc cao tốc nên hầu như không xảy ra những hành vi đập phá dải phân cách giữa 2 chiều lên xuống gây mất an toàn giao thông. Việc đi tắt băng qua cao tốc và tình trạng đập phá dải phân cách chỉ xảy ra ở đoạn chưa có đường dân sinh, đặc biệt là đoạn qua xã Hiệp An, Đức Trọng là chủ yếu.
Ông Hồ Hữu Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết, xã Hiệp An hiện có 221 hộ dân có nhà, đất canh tác dọc hai bên tuyến cao tốc. Trong đó có 65 trường hợp có đất ở nông thôn. Toàn bộ số hộ này đã được cấp đất trước năm 2000. 

Cầu vượt duy nhất trên cao tốc, tuy nhiên người dân sống và canh tác ở khu vực núi Voi có băng qua cầu vượt này thì vẫn phải đi ngược chiều vào cao tốc do chưa có đường dân sinh
Cầu vượt duy nhất trên cao tốc, tuy nhiên người dân sống và canh tác ở khu vực núi Voi có băng qua cầu vượt này thì vẫn phải đi ngược chiều vào cao tốc do chưa có đường dân sinh

Thời gian qua, lực lượng công an xã cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đơn vị quản lý tuyến cao tốc tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân về trật tự an toàn giao thông, nhưng việc người dân băng qua đường vẫn chưa thể xử lý triệt để bởi trên đoạn này chưa có đường gom, trong khi người dân làng bên này vẫn phải sang bên kia núi để làm vườn, làm rẫy hàng ngày. Xã cũng tính đến chuyện bắt camera an ninh trên dọc tuyến để giám sát và xử lý nhằm răn đe nhưng việc bắt camera không thực hiện được vì không có hệ thống hạ tầng. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm vấn nạn mất an toàn giao thông trên đoạn cao tốc này là phải có đường gom trên toàn tuyến và kết nối với các cống dân sinh hoặc bố trí thêm cầu vượt xuyên qua cao tốc để người dân sống và canh tác hai bên đường có lối đi thuận lợi, an toàn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho các phương tiện trên cao tốc.

Đặt câu hỏi cho chính một thanh niên vừa mới chạy xe máy chở củi từ bên kia đường băng ngang qua dải phân cách cao tốc đã bị ai đó đập trước đó rằng “Tại sao không đi qua cầu vượt cho an toàn?”, anh Liêng Jian Na Thin lý giải: “Nhà tôi ở Đơn Dương, nhưng hiện đang có 8 sào đất trồng cà phê ở chân núi Voi. Mỗi ngày tôi đều phải đi làm rẫy trên này. Cho dù có băng qua đường bằng cầu vượt ở khu vực xã Liên Hiệp, thì tôi vẫn phải đi ngược chiều 1 đoạn rất dài trên cao tốc vì đoạn trên này không đường dân sinh. Đi vậy cũng sợ, chính vì vậy, thấy có 1 đoạn dải phân cách bị đập từ trước, tôi băng qua đường cho nhanh và tiện hơn”.

Người dân băng qua cao tốc về nhà từ nương rẫy trên khu Núi Voi
Người dân băng qua cao tốc về nhà từ nương rẫy trên khu Núi Voi

Để giải quyết những bất cập trên tuyến cao tốc này, từ năm 2020, UBND tỉnh đã liên tục đốc thúc Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành đường gom dân sinh ở khu vực xã Hiệp An. Tuy nhiên, vào ngày 1/3, thời điểm phóng viên đi tìm hiểu thì tuyến dường gom dài 1,5 km trên địa bàn xã Hiệp An vẫn chưa hoàn thành dù được khởi công từ năm 2021. Cả chiều dài tuyến đường gom vẫn ngổn ngang đất đá, trong khi đó người dân thì vẫn cứ mỗi ngày bất chấp nguy hiểm vi phạm luật giao thông đường bộ băng qua cao tốc. 
Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết, việc giải phóng mặt bằng làm đường gom không phải là vấn đề chính khiến tiến độ thi công tuyến đường gom bị chậm bởi cơ bản vấn  giải phóng mặt bằng đã được giải quyết. Cũng theo ông Hiếu, đường gom đang được đầu tư chỉ có hơn 1,5km, trong khi các hộ dân sinh sống suốt chiều dài của tuyến từ điểm đầu đến điểm cuối. Nếu muốn đảm bảo an toàn giao thông bền vững, thì cần mở đường gom trên toàn tuyến cao tốc. 
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số cống dân sinh tuy đã làm xong, nhưng đặt ở vị trí quá thấp, mùa mưa bị ngập, bồi lắng đất cát nên cần có phương án sửa chữa để người và phương tiện có thể lưu thông an toàn.