Một góc nhỏ thôn cũ Cao Sinh, xã vùng sâu Gia Viễn, huyện Cát Tiên, nay đã nhập chung vào thôn Trung Hưng, xã Gia Viễn. Xóm thật nhỏ với hơn 10 nóc nhà, cũng là nơi những đồng bào Tày an cư lạc nghiệp, với cây lúa, ao cá, vườn điều và tiếng cười rộn ràng mỗi đêm. Cuộc sống xóm nhỏ đậm chất thôn dã ấy yên bình ven hồ Đắk Lô.
Cán bộ điện lực hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn |
Ông Nông Văn Hổ - Trưởng thôn Trung Hưng, xã Gia Viễn tâm tình với khách trong căn nhà ngói nhỏ xinh xinh, trước mặt là đồng lúa xanh mướt đang thì con gái. Ông Hổ là một trong những người dân đầu tiên đến định cư ở xóm này. Ông bảo, đây là nơi xa nhất của thôn Cao Sinh cũ, nay nhập vào thôn Trung Hưng. Xóm được bà con trong xã gọi là xóm Tày bởi hơn 10 hộ đều là bà con người Tày từ Cao Bằng vào đất mới Cát Tiên sinh sống, làm ăn gần 40 năm qua. Họ đã chọn nơi xa nhất, trước mặt có những ngọn đồi đầy lồ ô thường được bà con gọi với cái tên đồi ông Vui. Khi ấy, chưa có hồ Đắk Lô, người Tày ở Cao Sinh phải sống nhờ những cây lúa một vụ. Chặt từng gốc lồ ô, tre nứa, cỏ gai, người Tày cắm cây mạ, cắm bụi củ mì, gieo hạt bắp để có được những hạt vàng. Trước mặt là núi, sau lưng là núi, người Cao Sinh lặng lẽ nơi góc núi, chăm chỉ với hi vọng vào ngày mai. Hôm nay, hồ Đắk Lô đã giúp người xóm Tày đưa nước về từng ô ruộng qua hệ thống kênh mương, người xóm Tày thoải mái trồng lúa, thả cá. Những cánh đồng lúa xanh mướt như hi vọng vào tương lai của người dân xóm nhỏ. Ông Hổ vui mừng: "Hôm nay khác lắm rồi, đời sống bà con trong xóm khá hơn nhiều rồi, đầy đủ rồi".
Chị Nguyễn Thị Thúy - cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Gia Viễn vốn là con em thôn Trung Hưng. Chị bảo, thôn cách UBND xã tới trên 10 km. Ngày xưa, trẻ con trong thôn đi học rất khổ, nhất là mùa mưa. Đường đất khó đi, xe máy không có, trẻ phải dắt nhau lội bộ tới trường tìm con chữ. Nhưng xóm Tày thôn Cao Sinh lại rất đoàn kết, dù khó đến mấy cũng cố gắng lao động, sản xuất, cho con em tìm cái chữ, đến lớp đến trường. Những năm dài, xóm núi mù mịt trong ánh đèn dầu hàng đêm. Nhà nào sang lắm mới có ngọn đèn được chạy bằng ắc quy, mỗi khi hết điện phải mang ra trung tâm xã sạc lại. Tới năm 2003, xã Gia Viễn có điện, bà con trong thôn tự đóng góp tiền của, công sức, kéo dây điện từ đường lộ chạy vào thôn. Và từ ngày ấy, xóm Tày sáng ánh điện. Nhưng dù có điện, bà con vẫn chập chờn lo lắng vì sử dụng điện theo kiểu một công tơ tổng, chia thành nhiều công tơ con. Hao phí đường dây quá lớn khiến mỗi nhà gánh thêm chi phí cho sử dụng điện.
Hôm nay, mỗi chiều, góc nhỏ xóm Tày rộn rã tiếng cười nói. Bà con cả xóm tập trung lại sân bóng chuyền, nơi được làm khá bài bản với lưới che, cọc chắn. Bà con tụ tập, cùng đánh bóng, vui chơi cho đến đêm, dưới ánh đèn sáng trưng và hương lúa thoang thoảng. Trưởng thôn Nông Văn Hổ vui mừng, từ Tết Nguyên đán đầu năm 2023 đến giờ, bà con trong thôn rất vui vì lưới điện của thôn đã hòa chung vào lưới điện quốc gia, bà con trực tiếp trở thành khách hàng cá nhân của ngành Điện, không còn cảnh mua - bán điện qua đồng hồ tổng.
Ông Tô Văn Tiên - Phó Giám đốc Điện lực Cát Tiên chia sẻ, xã Gia Viễn đã được phủ lưới điện từ hơn 10 năm trước. Nhưng do một vài lí do, riêng xóm Tày lại bị "quên", bà con phải chịu cảnh sử dụng điện qua công tơ tổng từ nhiều năm nay. Năm 2022, nắm được tình hình bà con muốn được ngành Điện hỗ trợ, Điện lực Cát Tiên đã xuống khảo sát và trực tiếp thăm nắm tình hình hệ thống điện của bà con. Rất nhanh chóng, ngành Điện đã tiếp quản lưới điện do bà con tự xây dựng, sửa chữa, gia cố lại hệ thống đường dây, lắp công tơ miễn phí cho từng hộ. Bà con đã trở thành khách hàng trực tiếp với điện lực, không phải chịu thất thoát trên đường dây.
Ông Nông Văn Hổ cho biết, mỗi nhà phải tiết kiệm được 30% tiền điện hàng tháng. Mua điện của Nhà nước với giá quy định, bà con xóm Tày hăng hái mua sắm các thiết bị điện trong gia đình, tủ lạnh, giàn karaoke, lắp hệ thống đèn tại sân bóng chuyền... Và từ hôm đó, xóm Tày sáng rực mỗi đêm, vang tiếng cười đùa, ca hát. Sắp tới, bà con đang động viên nhau đóng góp xây hệ thống chiếu sáng dọc đường xóm. Để ban đêm, xóm Tày đẹp như bức tranh, nằm yên ả bên hồ Đắk Lô xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin