Lộ trình nào cho việc sắp xếp, sáp nhập các huyện và xã?

VIẾT TRỌNG 01:33, 26/06/2023

Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã do Trung ương quy định, Lâm Đồng đã đưa ra phương án trong giai đoạn 2023-2030 sẽ sáp nhập 3 huyện phía Nam của tỉnh thành 1 huyện; sáp nhập 2 xã. Đồng thời, 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc sẽ được mở rộng diện tích, trong đó huyện Lạc Dương sẽ được sáp nhập vào TP Đà Lạt. 

 

Bài 1: Sáp nhập 3 huyện phía Nam thành 1 huyện 

 

Dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2025, 3 huyện phía Nam Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên sẽ được sáp nhập trở lại thành huyện Đạ Huoai như trước đây, đồng thời, có 2 xã của 2 huyện trong tỉnh cũng cần được sáp nhập. 

Tiếp nhận trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Cát Tiên
Tiếp nhận trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Cát Tiên

TOÀN TỈNH CÓ 3 HUYỆN VÀ 14 XÃ CẦN SẮP XẾP

Tổng diện tích tự nhiên của Lâm Đồng theo ngành chức năng tỉnh tính đến thời điểm 31/12/2022 là 9781,21 km2, dân số toàn tỉnh trên 1,543 triệu người, mật sộ dân số khoảng 158 người/km2. Hiện, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 2 thành phố, 142 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn. 

Căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương, ngày 21/4/2023, Sở Nội vụ Lâm Đồng đã có Tờ trình số 254/TTr-SNV báo cáo tỉnh phương án sơ bộ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo phương án này, với đơn vị hành chính cấp huyện, toàn tỉnh hiện nay có 9/12 huyện, thành phố không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030; trong đó có 6/12 huyện, thành phố đồng thời, đảm bảo cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên 100% quy định, gồm 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm; có 3/12 huyện chỉ đảm bảo 1 trong 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định, tiêu chuẩn còn lại tỷ lệ dưới 100%, đó là các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đam Rông.

Riêng 3/12 huyện, thành phố còn lại thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030; trong đó giai đoạn 2023-2025 có 2 huyện là Đạ Huoai và Cát Tiên có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định. Trong giai đoạn 2026-2030, có 1 huyện là Đạ Tẻh có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định.

Với cấp xã, toàn tỉnh có 128/142 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030; trong đó có 68 đơn vị cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đảm bảo tỷ lệ trên 100% quy định; có 60 đơn vị cấp xã có 1 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đảm bảo trên 100% quy định, tiêu chuẩn còn lại có tỷ lệ dưới 100% tiêu chuẩn so với quy định hoặc có cả 2 tiêu chuẩn chưa đảm bảo 100% quy định, nhưng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 30% trở lên.

Riêng 14 xã còn lại thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 có 2 xã thuộc diện phải sắp xếp đó là xã Triệu Hải của Đạ Tẻh và xã Quảng Lập của Đơn Dương. Xã Triệu Hải có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định còn xã Quảng Lập tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, có 12 xã trong tỉnh có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định gồm xã Nam Hà của Lâm Hà; xã Hòa Trung của Di Linh; 2 xã của Bảo Lâm là Lộc Quảng và Tân Lạc); 5 xã của Đạ Huoai là Đoàn Kết, Hà Lâm, xã Mađaguôi, Đạ Oai và Đạ Tồn; 3 xã của Cát Tiên, gồm Đức Phổ, Quảng Ngãi và Nam Ninh.

SÁP NHẬP 3 HUYỆN PHÍA NAM LÂM ĐỒNG 

Giai đoạn 2023 - 2025 Lâm Đồng chỉ có 2 huyện là Đạ Huoai và Cát Tiên có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định nên cần phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, 2 huyện này lại có địa giới hành chính không tiếp giáp nhau, bị phân cách bởi huyện Đạ Tẻh nằm giữa. Trong khi đó huyện Đạ Tẻh trong giai đoạn 2026 - 2030 cũng cần phải sắp xếp vì cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 100% quy định.

Chính vì vậy, Sở Nội vụ đã đưa ra phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của cả 3 huyện trên, trong đó Đạ Huoai có diện tích tự nhiên là 495,04 km2, đạt tỷ lệ 58,24%; dân số là 44.087 người, đạt tỷ lệ 55,11%; Đạ Tẻh có diện tích tự nhiên là 526,74 km2, đạt tỷ lệ 61,97%; dân số là 57.194 người, đạt tỷ lệ 71,49% và huyện Cát Tiên có diện tích tự nhiên là 426,70 km2, đạt tỷ lệ 50,20%; dân số là 44.783 người, đạt tỷ lệ 55,98%. 3 huyện này sẽ thành 1 huyện, được lấy tên là huyện Đạ Huoai.

Lý do lấy tên Đạ Huoai là vì trước đây vùng đất của cả 3 huyện này đã mang tên là Đạ Huoai. Ngày 14/3/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116-CP chia huyện Bảo Lộc thành 2 huyện Bảo Lộc và Đạ Huoai. Huyện Đạ Huoai lúc đó gồm có các xã Mađaguôi, Đạ Oai, Đạ M’ri, Đạ P’loa, Đạ Tẻh, Đạ Kộ, Đạ Lây; thị trấn Mađaguôi, thị trấn Nông trường Đạ Tẻh và thị trấn Nông trường Đạ M’ri. Sau đó, ngày 6/6/1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 68/HĐBT chia huyện Đạ Huoai cũ thành 3 huyện lấy tên huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên như ngày nay. Sau một thời gian được tách ra, vùng đất 3 huyện nay lại sáp nhập lại thành huyện Đạ Huoai như trước.

Theo phương án, huyện Đạ Huoai mới này có diện tích tự nhiên 1.448,48 km2 (đạt 170,4% so với tiêu chuẩn); dân số 146.064 người (đạt 182,58% so với tiêu chuẩn); phía Đông giáp với TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; phía Tây giáp với huyện Tân Phú, Đồng Nai; phía Nam giáp với 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh của Bình Thuận; phía Bắc giáp với huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Trung tâm hành chính huyện sau sắp xếp được đề xuất đặt tại Trung tâm hành chính huyện Đạ Tẻh hiện nay.

• SÁP NHẬP 2 Xà

Có 2 xã trong tỉnh theo phương án cần được sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025 này, đó là xã Triệu Hải của Đạ Tẻh và xã Quảng Lập của Đơn Dương.

Dự kiến xã Triệu Hải của Đạ Tẻh (có diện tích tự nhiên là 32,15 km2, đạt tỷ lệ 64,3%; dân số là 3.106 người, đạt tỷ lệ 62,12%) sẽ nhập toàn bộ diện tích và dân số của mình vào xã Quảng Trị, lấy tên là xã Quảng Trị. Sau khi sắp xếp xã Quảng Trị mới có diện tích tự nhiên 86,51 km2 (đạt 173,02% so với tiêu chuẩn); dân số 6.380 người (đạt 127,6% so với tiêu chuẩn).

Với xã Quảng Lập của Đơn Dương, Sở Nội vụ đã đề xuất nhập xã Quảng Lập vào xã Ka Đô, do trước đây xã Quảng Lập được thành lập trên cơ sở tách từ xã Ka Đô theo Quyết định số 135/HĐBT ngày 16/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, huyện Đơn Dương đã đề nghị sắp xếp xã Quảng Lập vào đơn vị hành chính xã Pró liền kề. Lý do là vì sau khi sắp xếp địa giới hành chính của xã mới phù hợp, gọn hơn; trục giao thông kết nối giữa xã Quảng Lập và xã Pró rất thuận tiện cho việc đi lại, giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa và quản lý về mặt hành chính.

Chính vì vậy, Sở Nội vụ đã đề xuất nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quảng Lập (có diện tích tự nhiên là 9,79 km2, đạt tỷ lệ 19,58%; dân số là 6.877 người, đạt tỷ lệ 137,54%) vào xã P'ró (có diện tích tự nhiên là 87,84 km2, đạt tỷ lệ 175,68%; dân số là 7.300 người, đạt tỷ lệ 146%) thành 1 xã mới. Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính xã mới này có diện tích tự nhiên là 97,63 km2 (đạt 195,26% so với tiêu chuẩn); dân số 14.177 người (đạt 283,54% so với tiêu chuẩn).

(CÒN NỮA)