Gỡ “vướng” giải ngân vốn đầu tư công (Bài 2)

LÊ HOA 04:56, 22/09/2023
 

Bài 2: “Nghẽn” giải phóng mặt bằng

 

Ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương phân khai nguồn vốn đầu tư công của từng dự án, công trình và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng nhìn chung vốn giải ngân đạt thấp so với kế hoạch.

Công trình trụ sở làm việc của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng là một trong nhiều dự án triển khai thuận lợi do không vướng giải phóng mặt bằng
Công trình trụ sở làm việc của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng là một trong nhiều dự án triển khai thuận lợi do không vướng giải phóng mặt bằng

Cũng cần biết rằng trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các địa phương, chủ đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc... nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có tỷ lệ rất thấp ở các địa phương cũng như sở, ngành; đặc biệt, vốn ODA chưa giải ngân… Các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp được xác định như năng lực một số chủ đầu tư yếu, kế hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt, quy định đấu thầu, giá nguyên vật liệu tăng…; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.

Tính từ tháng 7 đến nay, rất nhiều văn bản của Chính phủ đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ, giải pháp tăng tốc… để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các chủ đầu tư công trình dự án sử dụng vốn ngân sách phải gửi báo cáo đánh giá tình hình về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Các văn bản tập trung vào yêu cầu thời hạn đối với vốn đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2022; đồng thời, tổ chức đoàn công tác, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân, giao trách nhiệm cho các địa phương các sở, ngành, chủ đầu tư, chủ dự án… nhằm chấn chỉnh công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Trong 12 huyện, thành phố, Bảo Lộc là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất tỉnh, với 11 dự án sử dụng ngân sách tỉnh và 2 dự án từ vốn ngân sách địa phương. Tổng kế hoạch vốn của TP Bảo Lộc, trừ 2 dự án xin dừng (107 tỷ) do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thì nguồn vốn còn lại đã giải ngân đạt 37,6%. Ngày 11/9, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản đề xuất chấm dứt thực hiện Dự án Xây dựng các tuyến đường đô thị đường nối từ Khu phố 3, phường B’Lao đến đường Vành đai phía Nam và đường nối từ Khu phố 3 phường B’Lao đến đường Lam Sơn.

Ngược lại, TP Đà Lạt là địa phương có tiến độ giải ngân tốt. Đà Lạt cũng đang hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục của các dự án và thực hiện mở rộng 10 nút giao thông… Nhưng, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt xác định, càng cuối năm càng khó khăn do thành phố không còn quỹ đất tái định cư và xin phép tỉnh sắp xếp quỹ đất để xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư. Thực tế, TP Đà Lạt đã bàn đến giải pháp tìm quỹ đất xây dựng khu tái định cư từ năm 2021, mà đến nay chưa thực hiện được, không chỉ cho riêng dự án ở đường Lữ Gia; mà cho nhiều công trình khác, như đường vành đai, đường Cam Ly - Phước Thành... 

Chủ đầu tư của các dự án lớn cũng là công trình trọng điểm của tỉnh là Dự án Hồ Ta Hoét, Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đều cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chưa thể thi công là chưa làm xong hồ sơ đất rừng và công tác đền bù giải tỏa để giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Các địa phương có đường cao tốc đi qua là Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng cũng vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng... Dự án Đường ĐT722 cũng đang làm việc các sở, ngành trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đất rừng để tiếp tục dự án... 

Ngoài vấn đề cần quỹ đất để bố trí tái định cư, Dự án Hồ Ta Hoét còn vướng nguồn đất sản xuất cho người dân. Để dự án này triển khai xây dựng phải thu hồi trên 120 ha làm hồ chứa nước, có 188 hộ dân địa phương bị ảnh hưởng với diện tích 97,4 ha. Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng: Huyện đã lập xong dự án đầu tư tái định canh và phương án bố trí đất tái định canh của Dự án Hồ Ta Hoét, sẽ trình UBND tỉnh xem xét làm cơ sở thực hiện. Huyện cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con và cơ bản đã đồng tình với phương án tái định canh mới. Ông Cường cũng đề xuất giải toả đất 5% (đất công ích) để bố trí tái định canh cho các hộ, trước mắt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Chưa bao giờ kế hoạch sử dụng đất thực hiện chậm như năm 2023, thậm chí có địa phương trình kế hoạch sử dụng đất nhưng lại không có hồ sơ. Vào thời điểm này hằng năm sẽ phải làm kế hoạch sử dụng đất cho năm tới rồi. Nếu quý III không thực hiện xong kế hoạch sử dụng đất của năm 2023 thì quý IV phải điều chỉnh. Vì vậy, như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, khẳng định với các địa phương: Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố sẽ được phê duyệt sớm, nhưng tùy thuộc vào thời điểm hoàn chỉnh quy hoạch của mỗi địa phương. Kế hoạch quy hoạch sử dụng đất tỉnh yêu cầu phải trình trước 30/4, nhưng đến nay các địa phương mới bắt đầu hoàn thiện... Bà Phạm Thị Tường Vân - Giám đốc Sở Tài chính, cảnh báo: Nếu không kịp giải ngân, nguồn vốn của nhiều công trình sẽ không được chuyển nguồn sang năm sau và sẽ phải trả về Trung ương! 

Ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, qua thực tế thực hiện chức năng giám sát của MTTQ, cho biết: Mặc dù dư luận vui mừng, phấn khởi vì tỉnh ta đã huy động được rất nhiều nguồn lực đầu tư, kể cả nguồn thu từ ngân sách, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do hồ sơ thủ tục chậm giải quyết, vướng hồ sơ rừng, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng... Ông Triều đề xuất: Nên có chi phí hỗ trợ cho công tác đầu tư giải phóng mặt bằng và cần có sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành chức năng với các lực lượng ở địa phương để tham gia tuyên truyền, vận động người dân giao đất...

(CÒN NỮA)