Lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống

NGUYỄN NGHĨA 05:51, 18/09/2023

Không chỉ các tổ chức xã hội, các đơn vị, cơ quan nhà nước tham gia vào các hoạt động từ thiện, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên duy trì các hoạt động từ thiện, các hoạt động nhân đạo như một cách để đồng hành, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội của địa phương và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống.

Đại diện các doanh nghiệp tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho bà con dân tộc khó khăn xã Pró
Đại diện các doanh nghiệp tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho bà con dân tộc khó khăn xã Pró

Cuối tháng 8, chúng tôi đến xã Pró, huyện Đơn Dương nhân dịp một số công ty đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh cùng phối hợp trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo và hộ khó khăn, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số của xã. Việc trao tặng thẻ BHYT ở một xã còn nghèo như Pró có ý nghĩa rất lớn, bởi sẽ giúp người dân tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách BHYT. Không chỉ tặng thẻ BHYT, các công ty còn tặng bà con bóng đèn để thắp sáng đường làng, ngõ xóm; thắp sáng nhà cửa... 

Xã Pró hiện có 7 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 7 ngàn khẩu. Mặc dù đã thoát khỏi danh sách xã nghèo và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nhưng hiện do tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (khoảng 61%) nên một số tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về BHYT, điện thắp sáng vẫn còn chưa đạt. Toàn dân tham gia BHYT đến nay chỉ mới đạt 85,99%. Ông Nguyễn Viết Xuân - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Việc các đơn vị kinh doanh quan tâm hỗ trợ không chỉ thể hiện tình cảm, sự chung tay, sẻ chia với chính quyền, với đồng bào ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, mà còn là nguồn động viên để cán bộ, viên chức của xã có thêm động lực để nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm lo đời sống cho bà con, hướng đến xây dựng xã sớm đạt những tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Không chỉ các doanh nghiệp tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo; mà với mục tiêu sẻ chia vì cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận, nhiều tổ chức, nhóm tình nguyện ở khắp nơi cũng đã được thành lập để tổ chức các hoạt động từ thiện, hỗ trợ bà con, người nghèo, trẻ em vùng khó khăn. Các hoạt động của các nhóm thiện nguyện dù không lớn, nhưng họ lại có những hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, hướng đến giải quyết những vấn đề đa dạng của xã hội, trong đó chủ yếu là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế có thêm điều kiện, sự động viên về tinh thần để tiếp tục nỗ lực vượt khó, vượt lên nghịch cảnh để phấn đấu, học tập tốt, xây dựng đời sống tốt hơn. 

Chị Nguyễn Thị Huệ, đầu bếp của một nhà hàng trên địa bàn TP Đà Lạt cùng với nhóm bạn của mình là những tiểu thương, cán bộ, công chức nghỉ hưu đang sinh sống tại Đà Lạt đều đặn một vài tháng lại tổ chức về với các mái ấm tình thương ở vùng ven thành phố, vùng dân tộc thiểu số để cùng nấu ăn, tặng sữa, quần áo, sách vở cho các cháu. Mỗi người tự trích thu nhập hàng tháng của cá nhân ra để góp lại mua đồ ăn, thức uống, nấu nướng cho các cháu. Mùa đông thì góp tiền để mua thêm áo ấm, hoặc vận động bạn bè khắp nơi góp quần áo, mũ nón, đồ đạc tặng các cháu mồ côi ở mái ấm.

Chị Huệ chia sẻ: “Nhóm ban đầu chỉ là chơi với nhau hợp, rồi sau đó tự hẹn nhau tổ chức thường xuyên. Vì là những hoạt động rất nhỏ nên nhóm không có tên, mà cũng không ai nghĩ sẽ đặt tên nhóm để làm gì. Cứ có dịp gì đó, như tết, Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Noel, Quốc khánh, giỗ Tổ Hùng Vương … là chúng tôi lại rủ nhau cùng góp tiền tổ chức. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít thì góp ít chứ không câu nệ. Chủ yếu nhóm muốn cùng chung tay đến để nấu ăn, chia sẻ, động viên các em, các cháu, các mẹ ở những mái ấm”.

Trải qua thời gian dài hoạt động, các chị đều cho biết, cảm thấy việc mình làm không chỉ mang lại niềm vui cho các em, mà chính mình cũng vui lây, cuộc sống vì vậy mà cũng có ý nghĩa hơn. Vì vậy mà nhóm chị Huệ đã tổ chức những hoạt động như vậy được gần chục năm nay. 

Còn nhóm của anh Dũng Phạm, nguyên là cán bộ ngành Du lịch Lâm Đồng đã nghỉ hưu, thì lại chọn cách chia sẻ với những người già neo đơn, với người khiếm thị. Để có nguồn quỹ hoạt động, nhóm thông qua các buổi tổ chức bán tranh, bán ảnh làm lịch, tham gia đấu giá ảnh đẹp tại các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; nhóm anh Dũng lấy tiền đó làm quỹ để mua gạo, mua dầu ăn, trao tặng tiền cho các cụ già neo đơn, cho những người khiếm thị.

Những hoạt động từ thiện, nhân đạo như của các doanh nghiệp; các cá nhân, tổ chức như chị Huệ, anh Dũng vẫn còn rất nhiều. Những hoạt động và việc làm ấy tuy nhỏ nhưng vô cùng cụ thể, thiết thực đã góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần làm lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống.