Gỡ “vướng” giải ngân vốn đầu tư công (Bài 1)

LÊ HOA 05:29, 20/09/2023

Giải ngân vốn đầu tư công là chuyên đề được Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, do UBND tỉnh tổ chức ngày 25/8/2023, nhằm tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm… cho các ngành, địa phương và các chủ đầu tư dự án đang gặp vướng mắc... làm chậm tiến độ giải ngân.

 

Bài 1: “Không thiếu tiền, chỉ thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp”

 

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tại kỳ họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8. Theo Chủ tịch tỉnh: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thuận lợi hơn các năm trước vì tiền đã có sẵn. Nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công lại rất đáng lo, vì chưa bao giờ tỷ lệ giải ngân thấp như hiện nay. Vốn đầu tư công là khoản đầu tư các công trình công cộng phục vụ đời sống Nhân dân, trả lương cho người lao động, hỗ trợ mua sắm thiết bị… Đầu tư công tạo nguồn ngân sách dẫn dắt đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội... Thế nhưng đã gần hết quý III của năm 2023, vẫn còn những dự án chưa giải ngân được đồng nào, toàn tỉnh mới đạt 33% kế hoạch... Do đó, tình hình bây giờ không phải tháo gỡ khó khăn mà là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công. Nếu chúng ta không giải ngân được sẽ phụ lòng Chính phủ, phụ lòng nguồn vốn đối lưu...

Đèo Prenn có vốn ngân sách địa phương 553 tỷ đồng đang hoàn thiện. Ảnh: Võ Trang
Đèo Prenn có vốn ngân sách địa phương 553 tỷ đồng đang hoàn thiện. Ảnh: Võ Trang

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 và năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 8.156,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2023, số vốn giải ngân mới được 2.292,5 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch. Các địa phương được bố trí 3.500 tỷ đồng, mới giải ngân được gần 50%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt là Đà Lạt (gần 70%), Di Linh (60%), Cát Tiên (56%), Đơn Dương (53%), Bảo Lâm (52%), Đức Trọng (52%), Đam Rông (51%), Đạ Huoai (50%), Đạ Tẻh (50%). Trong khi đó, các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp là Lâm Hà (38%), Lạc Dương (37%), Bảo Lộc (25%). 

Các sở, ngành được đầu tư 4.000 tỷ đồng, nhưng mới sử dụng hết 550 tỷ đồng, đạt 13,7%. Ngoài những điểm sáng, như: Công ty Cổ phần Cấp nước (100%), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (98%), Trung tâm Phục hồi chức năng (82%), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (80%)... Nhiều sở, ngành có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng (25%), Sở Y tế (25%), Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (21%), Sở Giao thông Vận tải (24%), Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng (16%), Sở Khoa học - Công nghệ (11%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8,7%); Bệnh viện II Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục - Đào tạo là các đơn vị chưa giải ngân... bao gồm cả hai Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Đó là chưa kể nguồn vốn kéo dài từ năm 2022! Thường, vốn chuyển tiếp sẽ giải ngân hết trong quý I, nhưng vốn chuyển tiếp từ năm 2022 còn 618 tỷ đồng, mới tiêu hết 230 tỷ đồng, tồn đọng ở Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh; Trường Cao đẳng Y tế, Khu công nghiệp Lộc Sơn, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Giao thông, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp, Trường Chính trị là những đơn vị chưa giải ngân vốn chuyển tiếp từ năm 2022. 

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh vẫn còn dang dở ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, hay đang giải phóng mặt bằng... như: Hồ chứa nước Ta Hoét đang tập trung thực hiện công các bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định canh. Dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng đang tiến hành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. 

Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đã ký kết Hiệp định vay vốn (ngày 4/7/2023) và chuẩn bị ký hợp đồng cho vay lại. Dự án Khu công nghiệp Phú Bình đã tổ chức công bố đồ án Quy hoạch phân khu và chuẩn bị hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án; Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo cuối kỳ của hồ sơ nghiên cứu khả thi và triển khai song song các nhiệm vụ khác (báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn thiện Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư), đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đang hoàn thiện báo cáo đầu kỳ báo cáo nghiên cứu khả thi...

Còn nhớ, tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích 9 nguyên nhân chủ quan khiến tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Đồng thời, đưa ra 6 giải pháp: yêu cầu các chủ đầu tư rà soát nguyên nhân, nâng cao trách nhiệm và xử lý các vi phạm theo quy định; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành để bàn giao giải phóng mặt bằng; đề xuất tỉnh chỉ đạo các ngành hỗ trợ các địa phương giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư phải tổng hợp, báo cáo tỉnh và rút vốn một số công trình chưa triển khai và chậm... Đầu tháng 9, UBND tỉnh đã có văn bản, yêu cầu các địa phương phải rà soát các công trình và kiểm soát vốn chuyển giao...; đến ngày 30/11/2023 phải hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư chuyển tiếp từ năm 2022 của các dự án; đồng thời, sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công chuyển tiếp này.

(CÒN NỮA)