Theo dự báo, trong mùa khô năm 2024, hạn hán sẽ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Gần 2 tháng qua, tại các địa phương có diện tích cà phê lớn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là Di Linh và Bảo Lâm không có mưa, tiềm ẩn nguy cơ hạn hán. Ngay từ những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn 2 huyện Di Linh, Bảo Lâm đang tận dụng mọi nguồn nước để tưới chống hạn cho cà phê hướng tới một niên vụ bội thu vào cuối năm.
Người dân các huyện Bảo Lâm, Di Linh đang hối hả tưới nước chống hạn cho cà phê |
• ĐỢT TƯỚI THEN CHỐT!
Ghi nhận tại các địa phương có diện tích cà phê lớn như xã Lộc Ngãi, Lộc Thành, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Đức, thị trấn Lộc Thắng… (huyện Bảo Lâm) hay các xã Tân Châu, Tân Thượng, Tam Bố, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc… (huyện Di Linh) và Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Thanh, Lộc Nga (TP Bảo Lộc) khắp nơi đều nghe tiếng máy nổ bơm nước tưới cà phê. Cùng với đó, người người đang ngày đêm thay nhau châm dầu, kéo ống tưới cho hàng chục ngàn ha cà phê đang có nguy cơ khát nước. Theo đó, tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) dọc theo dòng suối Đại Nga đang có rất nhiều điểm “tập kết” máy bơm nước công suất lớn hoạt động không ngừng nghỉ, bơm nước tưới cho cà phê. Năm nay, giá cà phê cũng đang đạt mức kỷ lục hơn 80 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Vì thế người dân đang rất quan tâm, chủ động chống hạn cho cà phê để hướng tới một vụ mùa bội thu trong năm.
Theo người dân trồng cà phê tại các địa phương thì đây là đợt tưới thứ 2 trong niên vụ cà phê năm 2024. Đặc biệt, đợt tưới này rất quan trọng để giúp cà phê no nước đậu trái sau khi đã ra bông đồng loạt trong đợt tưới trước, đóng vai trò then chốt quyết định đến năng suất, chất lượng của niên vụ cà phê trong năm 2024.
Ông Trần Trí Quang (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), cho hay: “Gia đình tôi có gần 2 ha cà phê đã trổ bông cần được tiếp nước để cây giữ trái. Do vườn ở xa suối, nên tôi phải nối hơn 50 cuộn ống với hơn 1.000 m để đưa nước về tới vườn chống hạn cho cà phê. Hôm qua đến giờ, vợ chồng tôi thay nhau tưới liên tục hơn 20 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa xong. Hiện tại, nước trên suối Đại Nga vẫn đảm bảo dồi dào để bà con chúng tôi chống hạn cho cà phê nên cũng đỡ lo lắng”.
Theo người dân, để chống hạn cho cà phê, trung bình mỗi ha, bà con phải bỏ ra chi phí từ 5 - 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tú, ngụ tại xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), cho biết: “Trung bình mỗi ha cà phê, bà con chúng tôi phải tưới từ 20 - 30 tiếng đồng hồ mới xong 1 ha. Nếu những hộ có vườn gần suối chủ động được nguồn nước và có đầy đủ phương tiện thì chỉ mất từ 2 - 3 triệu đồng tiền dầu/ha. Nhưng những hộ vườn xa suối, lại phải thuê máy bơm như gia đình tôi thì chi phí bỏ ra như gia đình phải đến 8 - 10 triệu đồng mới đảm bảo cung cấp đủ nước cho 1 ha cà phê trong giai đoạn giữ trái. Nhưng nếu không tưới kịp thời, cà phê sẽ khô bông và chắc chắn năm này sẽ ảnh hưởng tới năng suất”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thượng (huyện Di Linh), hiện tại, người dân địa phương đang tập trung tận dụng nguồn nước suối và ao, hồ tự đào để tưới chống hạn cho cà phê. Ngoài nguồn nước tự nhiên thì toàn xã Tân Thượng đang có gần 300 ao, hồ tự đào vừa và nhỏ đang cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho 98% diện tích cà phê của địa phương. “Đây là đợt tưới thứ 2 trong mùa khô năm nay nên nguồn nước vẫn đủ để bà con chống hạn cho cà phê. Tuy nhiên, qua theo dõi, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguồn nước suối tự nhiên cho đến ao, hồ do người dân tự đào đều xuống rất nhanh. Cứ đà này nếu không có mưa thì trong vòng 1 tháng tới, người dân sẽ không còn nước để chống hạn cho cà phê trong đợt thứ 3 khi cây đã có trái. Khi đó tình hình sẽ rất căng thẳng” - ông Thông lo lắng.
• CHỦ ĐỘNG ĐIỀU TIẾT ĐẢM BẢO NGUỒN NƯỚC
Theo thống kê, 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm là những vùng trọng điểm có diện tích cà phê thuộc diện lớn nhất, nhì của tỉnh. Trong đó, huyện Di Linh có hơn 46.000 ha, còn huyện Bảo Lâm có hơn 36.000 ha cà phê. Trong đợt chống hạn đầu năm này, nguồn nước tưới vẫn đảm bảo để người dân chống tưới cho khoảng 90 - 95% diện tích. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài thì trong vòng 1 tháng tới, người trồng cà phê sẽ thiếu nguồn nước chống hạn ảnh hưởng đến năng suất niên vụ cà phê năm 2024.
Trong khi hầu hết các hộ dân đang chủ động được nguồn nước chống hạn cho cà phê, thì ông Trần Văn Trung, ngụ tại thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, Bảo Lâm) đang “cầu mong” trời đổ cơn mưa “vàng” để đảm bảo nguồn nước chống hạn cho cà phê trong thời gian tới. “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, hiện tại đã tưới nước chống hạn được 1,5 ha. 5 sào còn lại do nằm xa suối gần 2 km nên giờ không thể tưới. Hiện, cà phê đang rũ lá, khô bông do thiếu nước nhưng gia đình tôi đành phải chấp nhận. Giờ tôi chỉ biết cầu trời thương cho trận mưa, còn không cứ nắng kiểu này thì vườn cà phê của gia đình sẽ dần khô héo ảnh hưởng đến năng suất” - ông Quang lo lắng.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Trước tình hình nắng nóng đã và đang diễn ra, người dân địa phương đang tập trung chủ động tưới nước chống hạn cho cây trồng. Ngoài nguồn nước từ sông, suối và hồ thủy lợi tự nhiên, địa phương còn có gần 5.000 ao, hồ nhỏ do người dân tự đào để cung cấp nước tưới. Hiện tại, qua kiểm tra thực tế, về cơ bản nguồn nước tại các con suối, hồ thủy lợi vẫn đáp ứng đủ để người dân chống hạn. Đây là đợt tưới đặc biệt quan trọng để giúp cà phê trổ bông, giữ trái nên bà con sẽ tới no nước cho vườn cà phê. Để đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài, địa phương đang tiến hành điều tiết tích nước và phân phối nguồn nước sông, suối, hồ thủy lợi; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao, hồ và tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước trong thời gian tới”.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, ngoài nguồn nước sông, suối và gần 30 công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư thì địa phương đang có hơn 6.000 ao, hồ nhỏ do người dân tự đào phân bổ đều khắp các xã, thị trấn.
“Trong đợt chống hạn này, nguồn nước vẫn đảm bảo để bà con tưới cho hơn 85% diện tích cà phê (tương ứng khoảng 34 - 35.000 ha). Để đối phó với tình hình nắng hạn đang diễn ra, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý các công trình thủy lợi, hồ chứa thì địa phương đang vận động người dân tiến hành cắt bỏ bớt cành cà phê và sử dụng lá cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cùng với các đập, hồ thủy lợi, thì hồ Đắk Long Thượng đang tập trung xả điều tiết nước cho người dân các xã Lộc Đức, Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng tưới cà phê đảm bảo nguồn nước đầy đủ”.
Bên cạnh việc điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý để chống hạn, các địa phương cũng chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành theo dõi sát sao tình hình hạn hán và dịch bệnh để có phương án đối phó, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân trồng cà phê tại các địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin