Hiệp An nỗ lực giải tỏa nhà kính trên đất lâm nghiệp

NHẬT MINH 06:17, 23/02/2024

Là địa phương có diện tích nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp khá lớn, thời gian qua, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nhà lưới, nhà kính sản xuất.

Xã Hiệp An phối hợp với ngành chức năng huyện giải tỏa nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp
Xã Hiệp An phối hợp với ngành chức năng huyện giải tỏa nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp

Hiệp An là cửa ngõ của TP Đà Lạt, có diện tích đất lâm nghiệp là 3.277,49 ha; trong đó rừng phòng hộ 967,44 ha, rừng sản xuất 2.329,32 ha. Theo ông Hồ Hữu Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp An, địa phương hiện có trên 35% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trình độ văn hóa không đồng đều, dân cư chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, thiếu đất sản xuất, nhất là ở các thôn đồng bào DTTS; nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã đã giao cho các doanh nghiệp, nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp không phát huy hiệu quả diện tích rừng được giao, không có người quản lý, trông coi nên dẫn đến để tình trạng Nhân dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá bất động sản những năm gần đây tăng cao, một số đối tượng đã lấn chiếm và sang nhượng thu lợi bất hợp pháp. Vì vậy, công tác quản lý và bảo vệ trên địa bàn xã còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

“Đảng ủy xã Hiệp An luôn xác định công tác quản lý và bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị cấp bách, lâu dài. Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 06 của Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, Đảng ủy xã đã kịp thời xây dựng các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Hàng năm đều ban hành nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy về lãnh đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, lấn chiếm đất rừng, khai thác khoáng sản, san lấp mặt bằng và trật tự xây dựng trên địa bàn xã; đồng thời, chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trên; thường xuyên tuần tra quản lý, bảo vệ rừng hàng tuần, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vị phạm”, ông Hồ Hữu Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hồ Hữu Hiếu, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn xã Hiệp An có 7 trường hợp xây dựng nhà kính, nhà lưới, gồm 12 công trình trái phép, với tổng diện tích là 11.411 m2; các công trình này đều được làm trước năm 2019. Để thực hiện công tác giải toả nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, Đảng ủy xã Hiệp An đã thành lập các tổ vận động do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã làm tổ phó và các thành viên là chuyên viên các ban, ngành của xã. Các thành viên này đã đến từng công trình, từng hộ dân để vận động, tuyên truyền thuyết phục chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Qua quá trình vận động đã có 3 hộ tự tháo dỡ, với 5 công trình, có tổng diện tích là 3.844 m2; đối với các trường hợp không tự tháo dỡ, UBND xã đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế. Trên cơ sở đó, xã cũng đã xây dựng phương án, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm. Đến thời điểm hiện nay, đã thực hiện cưỡng chế, giải tỏa 6 công trình, diện tích 6.757 m2, chỉ còn 1 trường hợp còn lại với 810 m2 nhà kính vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, đang trong quá trình xử lý. 

Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy về công tác quản lý và bảo vệ rừng, ông Hồ Hữu Hiếu cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy xã Hiệp An sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trước tiên, xã sẽ tranh thủ tận dụng các camera tầm cao để kiểm soát công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác, tăng cường tuần tra, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; các đồng chí trong Ban Thường vụ, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, hàng tuần phải kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm, để giảm thiệt hại cho người dân trong quá trình cưỡng chế, giải tỏa. Song song với đó, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thông qua các buổi họp dân để lồng ghép tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, thường xuyên tổ chức họp giao ban, sơ kết đối với các đơn vị chủ rừng để nêu cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị này trong việc phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.