Tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

AN NHIÊN 03:11, 12/06/2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 2.042 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), tăng 838 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 9 trường hợp SXH nặng và 1 trường hợp tử vong do SXH.

Xe loa lưu động tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống SXH tại Cát Tiên
Xe loa lưu động tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống SXH tại Cát Tiên

SỐ CA MẮC SXH LIÊN TỤC TĂNG CAO

Hoạt động phòng, chống SXH được ngành Y tế quan tâm, tập trung triển khai thực hiện; tổ chức các đợt truyền thông phòng, chống SXH, tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh, giám sát xử lý các ổ dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men để thu dung điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Phát hiện 456 ổ dịch SXH nhỏ và đã tổ chức xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch lớn, trong đó xử lý bằng biện pháp diệt lăng quăng là 253 ổ dịch và biện pháp phun hóa chất là 203 ổ dịch.

Ngành Y tế đã triển khai phun dập dịch SXH diện rộng tại 9 địa điểm (Bảo Lộc: Tổ 5, 6 - Blao; Đơn Dương: Suối Thông A1 Đạ Ròn; Bảo Lâm: Tổ 15 - Lộc Thắng; Di Linh: Đồng Đò, Tân Nghĩa, Di Linh Thượng 1,2 - thị trấn Di Linh, Kala Krọt - Bảo Thuận, Ka Ming - thị trấn Di Linh; Đạ Tẻh: Tổ 6A - thị trấn Đạ Tẻh). Thực hiện lấy 130 mẫu phân lập vi rút và thực hiện 46 mẫu giám sát huyết thanh, phát hiện 19 mẫu dương tính chiếm tỷ lệ 41,3%. Tổ chức giám sát lăng quăng tại 111 điểm với 712 lượt, trong đó có 32 điểm vượt ngưỡng; tổ chức giám sát côn trùng thường xuyên.

Trước tình hình SXH gia tăng theo chu kỳ và có chiều hướng gia tăng vào mùa mưa, Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông; giám sát chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do SXH. Sở Y tế tỉnh nhận định tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn biến phức tạp, không theo chu kỳ dịch hàng năm, số ca mắc liên tục tăng cao trong 2 năm liên tiếp năm 2022 và năm 2023 và có xu hướng tăng mạnh vào những tháng đầu năm 2024. Các địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao như: Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh. 

Theo nhận định của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đỉnh dịch SXH tại Lâm Đồng có thể xảy ra vào tháng 6 - 7/2024 và có nguy cơ bùng dịch trên toàn tỉnh vào tháng 9/2024. Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

• TỔ CHỨC CHIẾN DỊCH VỆ SINH MÔI TRƯỜNG DIỆT LĂNG QUĂNG, BỌ GẬY 

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, hạn chế số ca mắc và tử vong, Sở Y tế Lâm Đồng đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm chung đối với công tác chuyên môn về lĩnh vực dự phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất Sở Y tế đối với các nội dung vượt thẩm quyền. 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu UBND huyện, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, không để tình trạng lơ là, chủ quan khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.

Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống SXH, sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân, trong đó tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế, các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt… và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (thông báo khu vực có dịch, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch…). Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong và xung quanh khuôn viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đảm bảo không có vật chứa lăng quăng.

• THÀNH LẬP TỔ CHUYÊN GIA VỀ HỒI SỨC TÍCH CỰC, CẤP CỨU VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN NẶNG

Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác chẩn đoán và điều trị SXH theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; chẩn đoán ca bệnh, chẩn đoán sốc đúng thời điểm, điều trị đúng, tránh sốc kéo dài, chú ý các dấu hiệu tổn thương tạng do SXHD. Xây dựng quy trình cấp cứu đối với bệnh nhân SXH nặng khi đến khám và điều trị. Các bệnh viện tuyến tỉnh chủ động đầu tư máy đo nhiệt độ, độ ẩm (Hct) tại giường. Củng cố công tác điều dưỡng tại đơn vị, chăm sóc bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ đối với bệnh nhân nặng, sốc do SXH và theo quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng thành lập Tổ chuyên gia về hồi sức tích cực, cấp cứu và điều trị bệnh nhân SXHD nặng, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần. Khi có ca chuyển viện lên tuyến trên, đề nghị các Bệnh viện, Trung tâm Y tế thực hiện việc chuyển viện an toàn ca bệnh, thủ tục cấp Giấy chuyển viện ca bệnh SXH theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp khó, cần hội chẩn Tổ chuyên gia, hội chẩn nhiều chuyên khoa Nhiễm - Nhi - Hồi sức cấp cứu… và chuyển tuyến Trung ương.