Đi lên nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

05:09, 03/09/2021

Trước đây, cuộc sống của người dân xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) còn rất nhiều khó khăn...

Trước đây, cuộc sống của người dân xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) còn rất nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo nên diện mạo nông thôn mới (NTM) ngày càng “thay da đổi thịt”. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao trên những triền đất hoang hóa. 
 
Nhờ việc đưa giống sầu riêng mới thay đổi giống sầu riêng hạt, nhiều nông dân ở xã Phước Lộc có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm
Nhờ việc đưa giống sầu riêng mới thay đổi giống sầu riêng hạt, nhiều nông dân ở xã Phước Lộc có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm
 
Phước Lộc là một xã có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong cơ cấu kinh tế của xã, nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn (thống kê năm 2020, nông - lâm - thủy sản chiếm 91%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, nông nghiệp địa phương luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư tập trung vào các cây trồng chủ lực. Cây điều ghép với diện tích hơn 625 ha, diện tích thu hoạch trên 560 ha, sản lượng ước tính đạt 8,7 tạ/ha; cây chè là 185 ha, 157,8 ha đang cho thu hoạch. Riêng diện tích cây sầu riêng có trên 501 ha, diện tích thu hoạch là 285 ha, một số diện tích đã cho thu đợt đầu chủ yếu là các giống sầu riêng RI6 và Monthon.
 
Có được kết quả nêu trên chính là một chặng đường dài nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập của người dân mà Đảng ủy, UBND xã Phước Lộc đã cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. 
 
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Phước Lộc là 47 triệu đồng/người/năm; đây là mức thu nhập chưa cao so với các xã khác trong tỉnh Lâm Đồng. Nhưng đối với Phước Lộc, địa phương được đánh giá là khó khăn của huyện Đạ Huoai trong những năm trước và có đến 83% đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống thì đây là một kết quả nổi bật. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích hiện tại đạt 110 triệu đồng/ha; so với năm 2015, tăng gần 80 triệu đồng. 
 
Ông Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất sầu riêng Phước Trung cho rằng, trước đây người dân trong thôn chủ yếu trồng giống sầu riêng hạt nên cho năng suất, chất lượng kém; dẫn đến thu nhập thấp. Kể từ năm 2015, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi sang các giống mới, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ nên năng suất, chất lượng được cải thiện một cách đáng kể. Hiện nay, tổ liên kết có 13 hộ với diện tích hơn 54 ha, nhiều tổ viên hợp tác có thu nhập từ cây sầu riêng mỗi năm hàng tỷ đồng. 
 
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mà đến nay xã Phước Lộc đã xây dựng được vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại thôn Phước Trung với 80 ha. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với cây trồng chủ lực như: cây điều 485 ha, cây sầu riêng 347 ha; chuyển đổi 350 ha cây điều già cỗi, sầu riêng hạt, tràm sang các cây trồng hiệu quả khác; cải tạo hơn 131 ha điều già cỗi sang diện tích điều có năng suất cao hơn. Đến nay, toàn xã Phước Lộc có 251 ha cây sầu riêng đạt giá trị sản xuất từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/ha; nhiều mô hình cây điều đạt trên 100 triệu đồng/ha. 
 
Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: Trong những năm qua, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, nhờ vậy đã đạt được một số kết quả khả quan. Hiện nay, địa phương đang hướng đến hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng, cây điều thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục xây dựng, nâng cao vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở thôn Phước Trung, ứng dụng công nghệ tự động trong các khâu như tưới nước, bón phân, phun thuốc. Thực hiện quy trình sản xuất sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trên diện rộng. Nhân rộng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài vùng quy hoạch...
 
Đến với Phước Lộc hôm nay, một màu xanh trù phú trên những triền đồi, người dân không còn cám cảnh phải chạy ăn từng bữa. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú, nông dân sản xuất giỏi của địa phương như: ông Nguyễn Văn Tám, Đặng Văn Tấn, Ha Kiên... Cấp ủy, chính quyền và người dân đang nỗ lực thực hiện xây dựng NTM nâng cao.
 
ĐỨC TÚ