Việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác tại Ka Đô đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường của huyện nông thôn mới Đơn Dương.
Việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác tại Ka Đô đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường của huyện nông thôn mới Đơn Dương.
|
Các bao tải đựng rác thải đã phân loại trên đường vào nhà máy chờ vận chuyển tái chế |
Đưa chúng tôi đi thăm nhà máy trong một buổi chiều, ông Vũ Quốc Bảo - Quản lý Dự án xây dựng Tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt Ka Đô, Đơn Dương tươi cười: “Do không đủ rác để xử lý nên công nhân buổi chiều phải ra ngoài thi công các con đường nội bộ cho có việc”.
Nằm trên một ngọn đồi ngay tại bãi rác cũ trước đây thuộc thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương, Tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt này có tổng diện tích 10 ha, do Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt đầu tư từ năm 2019. Cho đến nay Công ty đã tiếp nhận được 7,8 ha, phần diện tích còn lại đang chờ được huyện tiếp tục bàn giao.
Trên phần đất đã tiếp nhận này, đến nay Công ty đã cho xây dựng một nhà máy xử lý rác thải cùng các công trình đi kèm như trạm cân, nhà ủ phân và phân loại rác cùng hệ thống băng chuyền đưa rác lên lò đốt; trạm xử lý nước thải nhằm thu gom nước thải trong bãi ủ phân và nhà phân loại rác để xử lý; một lò đốt rác với công suất khoảng 100 tấn rác thải mỗi ngày. Cùng đó là hệ thống đường nội bộ, văn phòng , nhà ăn, nhà bảo vệ... Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của tổ hợp, theo ông Bảo cho biết, khoảng 60 tỷ đồng.
Vì xây dựng ngay tại địa điểm bãi rác cũ, mỗi ngày rác thải sinh hoạt phát sinh trong huyện đều phải thu gom về đây nên ông Bảo cho biết, Công ty phải chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Bắt đầu từ tháng 9/2020 do lượng rác tại bãi rác cũ này quá tải, rác và nước rác tràn ra đường gây ô nhiễm nên nhà máy, theo yêu cầu của huyện đã bắt đầu phải tiếp nhận rác để đưa vào chứa tại nhà ủ rác có mái che (Nhà ủ rác này có công dụng làm giảm độ ẩm của rác thải trước khi mang vào đốt). Tổng cộng đã có gần 4 nghìn tấn rác được đưa vào đây. Cuối tháng 12/2020 khi lò đốt lắp đặt xong, Công ty đã bắt đầu cho sàng lọc, phân loại và vận hành lò đốt rác cho giai đoạn thử nghiệm.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhà máy này đã xây dựng hệ thống tách nước mưa với nước thải, nước rỉ rác. Nước mưa trên bề mặt được thu gom thông qua hệ thống mương rãnh xung quanh và được dẫn đến hồ sinh thái của nhà máy; còn nước thải sản xuất phát sinh từ nước thải rỉ rác trong quá trình phân loại rác, từ xe chở rác, từ vệ sinh nhà xưởng được thu gom qua hệ thống mương kín, đưa về xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy với công suất xử lý 60 m3/ngày đêm.
Trong phân loại rác thải Công ty cũng đã lắp đặt hệ thống phun sương, giàn phun chế phẩm sinh học để khử mùi và côn trùng (chủ yếu là ruồi) tại sàn tiếp nhận và phân loại rác. Nhà máy cũng lắp hệ thống xử lý khí thải trong quá trình đốt rác với công suất xử lý 5 tấn/giờ (tương đương 120 tấn/ngày).
Với lò đốt rác, theo ông Bảo cho biết, Công ty lắp đặt một lò đốt dùng dầu DO để đốt, công suất hiện nay khoảng 100 tấn rác nhưng có thể nâng lên đến 150 tấn rác/ngày.
Theo qui trình, sau khi xe thu gom rác thải sinh hoạt của ngành chức năng địa phương vận chuyển đến, các nhân công làm việc nơi đây sẽ tiến hành phân loại sơ bộ, tách rác thải hữu cơ ra khỏi rác, đưa qua chỗ chứa để có thể tái chế làm phân bón; số rác vô cơ còn lại, một số có thể tái chế sẽ được tách riêng, phần lớn chuyển vào nhà ủ để giảm độ ẩm, sau đó được đưa vào băng chuyền lên lò đốt. Tro xỉ sau khi đốt rác từ lò đốt được đổ sang một bên, có thể đóng bao lưu trữ tại xưởng đốt để bán cho các cơ sở thu mua để làm gạch hoặc tận dụng làm công tác san nền của các công trình trong vùng.
Trong tháng 4/2021, Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đã phối hợp với địa phương để kiểm tra và đánh giá nhà máy đã đủ điều kiện để vận hành cho giai đoạn thử nghiệm trước khi chính thức hoạt động.
Cho đến nay như ông Bảo cho biết, mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 40 tấn rác thải trong huyện, được xe gom của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện vận chuyển đến. Tính trung bình mỗi tháng nhà máy sẽ nhận từ 1.300 tấn - 1.500 tấn rác để xử lý. Theo quyết định gần đây của UBND tỉnh, cứ mỗi tấn rác được xử lý như vậy, Công ty được thanh toán 372 nghìn đồng.
“Có lẽ phải nhiều năm đến thì số lượng rác thải địa phương phát sinh mới có thể tăng lên, còn số lượng rác nhà máy tiếp nhận hằng ngày hiện nay còn quá ít so với công suất của lò đốt nhà máy. Vì chúng tôi thiết kế nhà máy và lò đốt để có thể vận hành lên trên 100 tấn mỗi ngày, nhưng hiện nay mỗi ngày chúng tôi chỉ tiếp nhận khoảng 40 tấn, chưa được nửa công suất, không đủ việc cho 30 người làm việc nơi đây” - ông Bảo khẳng định.
Chính vì vậy, ông Bảo cho biết thêm, Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt, đơn vị chủ quản của Tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt Ka Đô này đang đề nghị với địa phương và tỉnh cho phép tiếp nhận thêm nguồn rác thải sinh hoạt từ các địa phương khác trong tỉnh, cụ thể là ở Đức Trọng để đưa về đây xử lý.
“Hiện chúng tôi biết bãi rác Pré ở Phú Hội đang quá tải gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khi nhà máy xử lý rác ở địa điểm mới chưa có, cho nên nếu được, trong lúc chờ đợi nhà máy mới được xây dựng chúng tôi đề nghị tỉnh có thể chuyển một phần rác thải sinh hoạt của huyện Đức Trọng về đây để xử lý. Đức Trọng qua đây cũng không xa nên việc vận chuyển cũng không khó khăn lắm” - ông Bảo đề nghị.
Một điều ghi nhận tại nhà máy xử lý rác này trong buổi chiều chúng tôi đến là nhà máy khá sạch sẽ, rất ít mùi hôi, hầu như không thấy ruồi - một sinh vật quen thuộc ở các bãi rác. Để hoàn thiện nhà máy nơi đây, trong thời gian đến ông Bảo cho biết sẽ tiếp tục cho bê tông hóa thêm các đường nội bộ, trồng cây xanh quanh khu vực.
“Về lâu dài khi lượng rác tiếp nhận tăng lên chúng tôi đã xây dựng phương án đầu tư cho giai đoạn 2; dự kiến Công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 40 tỷ đồng để mở rộng một số hạng mục, nhà xưởng” - ông Bảo nói.
VIẾT TRỌNG