Những ngày qua, Lâm Hà liên tục ghi nhận các ca dương tính COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến trường học...
Những ngày qua, Lâm Hà liên tục ghi nhận các ca dương tính COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến trường học. Trước nguy cơ lây nhiễm cao, các trường trên địa bàn huyện đã linh động chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến.
|
Lớp dạy trực tuyến Trường THCS Tân Hà được trang bị đầy đủ thiết bị |
•
LINH HOẠT TRONG MỌI TÌNH HUỐNG
Trong mọi tình huống, các trường trên địa bàn huyện Lâm Hà linh hoạt triển khai các phương án, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, hạn chế dịch bệnh lây lan cũng như đảm bảo chương trình dạy và học.
Ngày 31/10, tại thôn Tân Trung (xã Tân Hà) xuất hiện chùm ca bệnh mắc COVID-19, với vị trí nằm gần các điểm nguy cơ lây nhiễm, Trường THCS Tân Hà lập tức đề xuất ngành Y tế huyện cho test nhanh học sinh, giáo viên đã từng đến các điểm nguy cơ ngay tại trường và phun khử khuẩn toàn bộ trường.
Thầy Nguyễn Hữu Trạch - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hà cho biết, qua rà soát, trường có 48 học sinh và 5 giáo viên thuộc F2, hiện đang cách ly y tế tại nhà. Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, ngày 1/11, trường đã chuyển sang dạy và học trực tuyến. Mặc dù thay đổi đột ngột, song, theo thầy Trạch, giáo viên, phụ huynh và học sinh không bị bỡ ngỡ nhờ trước đó đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để dạy trực tuyến. “Ngay khi chưa có dịch trường đã tập huấn cho giáo viên, mua sắm các trang thiết bị cần thiết và nắm bắt số lượng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến” - thầy Trạch cho hay.
Trường hiện có khoảng hơn 20 em không có điều kiện học trực tuyến, các em sẽ được giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh sắp xếp học cùng bạn gần nhà. Giáo viên là F2 sẽ dạy trực tuyến ở nhà, các giáo viên còn lại sẽ dạy tại trường. Các phòng dạy trực tuyến được trang bị đường truyền ổn định, camera, bảng viết điện tử, tivi... Mỗi buổi dạy sẽ có một giáo viên chính và một giáo viên hỗ trợ. Khi gặp trục trặc về kỹ thuật, giáo viên liên hệ đến đường dây nóng, tổ công nghệ thông tin của trường sẽ đến xử lý. “Sau hơn 2 tuần triển khai dạy trực tuyến, đến nay mọi thứ cơ bản đều ổn định, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều đã thích ứng với phương thức học tập này”, thầy Trạch chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng đã chuyển sang dạy học trực tuyến ngay khi xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh. Thầy Bùi Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, liên quan đến ca mắc COVID-19 tại trường, qua truy vết, trường có 41 em thuộc F1 và nhiều học sinh, giáo viên là F2.
Theo thầy Sơn, vì tình hình phức tạp nên giáo viên sẽ dạy trực tuyến tại nhà. Đối với những học sinh F1 đang cách ly tập trung, các em đã được trang bị đầy đủ thiết bị và đồ dùng cần thiết để học trực tuyến.
Hiện tại, trường có khoảng hơn 10 em không đủ điều kiện học trực tuyến. Với trường hợp không có mạng Internet để học, nhà trường đã trích Quỹ khuyến học hỗ trợ sim 4G cho các em; những em không có thiết bị được sắp xếp học tại trường, mỗi phòng không quá 5 em, đảm bảo giãn cách. Thầy Sơn cho biết: “Tất cả các môn trong chương trình phổ thông đều được nhà trường dạy học trực tuyến. Đến hiện tại, việc dạy và học trực tuyến của nhà trường đã đi vào quỹ đạo”.
•
THÍCH ỨNG VỚI DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH
Ông Nguyễn Duy Trinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Hà cho biết, khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện có những diễn biến phức tạp, Phòng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện để học sinh tạm dừng đến trường, ngày 10/11 toàn bộ các trường trên địa bàn huyện đều chuyển sang dạy và học trực tuyến; riêng các trường mầm non, mẫu giáo, giáo viên và học sinh tạm nghỉ cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, ngày 1/11, đã có 10 trường tại các vùng có dịch chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến.
Theo ông Trinh, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Phòng đã hướng dẫn các trường chuẩn bị phương án, điều kiện cần thiết để dạy học trực tuyến khi có dịch bệnh xảy ra. Nhờ đó, khi chuyển trạng thái dạy học, các trường đều không bị động, lúng túng.
Qua thống kê, toàn huyện có khoảng dưới 20% học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến. Đối với trường hợp này, các trường sẽ tổ chức cho các em học nhóm gần nhà hoặc sắp xếp học tại trường (mỗi lớp tối đa 10 em). Một số trường tổ chức dạy trực tuyến vào buổi tối để học sinh và phụ huynh thuận tiện theo dõi buổi học.
Đối với khối lớp 1, 2 học qua truyền hình và lớp 3, 4, 5 học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn phối hợp với phụ huynh quản lý và đảm bảo an toàn cho các em; đồng thời, sắp xếp các buổi củng cố, ôn tập cho học sinh. Riêng với những học sinh đang cách ly y tế tập trung, các trường phối hợp với ban quản lý khu cách ly sắp xếp, bố trí học sinh cùng khối ở cùng phòng để tham gia học trực tuyến; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, thông báo lịch học và gửi đường link, đảm bảo cho học sinh học trực tuyến trong thời gian cách ly y tế.
Về việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, Phòng quy định các trường chỉ được thực hiện khi học sinh học trực tiếp trở lại. Trường hợp đến cuối học kỳ I vẫn phải dạy học trực tuyến, các trường có thể tổ chức kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ theo hình thức trực tuyến, đề ra quy chế kiểm tra, đánh giá định kỳ trực tuyến nhằm bảo đảm tính minh bạch, nghiêm túc và công bằng.
“Trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến, mỗi trường phát sinh những khó khăn nhất định, song, tùy vào điều kiện thực tế, các trường đều đã linh động triển khai các phương án để dạy và học được hiệu quả, an toàn. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức và không gây áp lực cho học sinh, các trường cũng đã sắp xếp thời gian, lịch học phù hợp”, ông Trinh chia sẻ.
NHẬT QUỲNH