Bãi Mía là một vùng nghèo khó của xã Đạ R'sal, huyện Đam Rông với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số...
Bãi Mía là một vùng nghèo khó của xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Vượt qua rất nhiều thách thức, chính quyền các cấp nơi đây đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cụ thể để thúc đẩy đời sống kinh tế của người dân. Đến nay, diện mạo Bãi Mía đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm ngày càng được nhiều hộ dân Bãi Mía thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Trở lại Đạ R’sal lần này, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển biến tích cực của một xã được công nhận nông thôn mới đầu tiên của huyện Đam Rông. Từ thực hiện phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho đến việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối vùng miền, tạo thuận lợi cho việc đi lại và các hoạt động giao thương, buôn bán, giao lưu văn hóa đời sống Nhân dân luôn được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.
Tuy vậy, bức tranh tươi đẹp nào cũng luôn có những góc khuất. Điểm tối dễ nhìn ra nhất của xã Đạ R’sal chính là thôn Phi Jút, một trong ba thôn khó khăn trên địa bàn xã, đặc biệt là khu vực Bãi Mía. Ông Lương Xuân Hường, Bí thư Đảng ủy xã Đạ R’sal cho biết: Khu vực Bãi Mía hiện có 78 hộ dân; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đang chiếm tỷ lệ quá cao so với bình quân chung toàn xã, chiếm tỷ lệ 69,53%. Thu nhập tính trên đầu người đạt thấp, bằng 40% bình quân chung của xã.
Trong những năm qua, xã Đạ Rsal đã tranh thủ các nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo để tập trung đầu tư, xây dựng cho các thôn trên địa bàn xã. Đặc biệt, quan tâm đầu tư hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số thôn Phi Jút về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa; hỗ trợ về nhà ở thuộc các Chương trình 134, 167, Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung hỗ trợ nhiều mô hình phát triển sản xuất, đào tạo việc làm, cho vay ưu đãi...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục, y tế, văn hóa thông tin đã có những bước tiến triển mới, gắn kết hơn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn xã. Nhờ đó, đời sống của người dân tại khu vực Bãi Mía đã có sự chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Liên (sinh năm 1981), sinh sống tại khu vực Bãi Mía, đúng thời điểm vợ chồng chị đang tất bật với công việc thu hoạch vụ cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao nên chị cũng như nhiều gia đình trong xóm ai nấy đều phấn khởi, chăm chỉ ra vườn từ sớm.
Chị Liên chia sẻ: Năm 2015, gia đình chị rời tỉnh Gia Lai để tìm đến khu vực Bãi Mía, thôn Phi Jút để lập nghiệp. Thời điểm này, phần đông bà con trong xóm đều là hộ nghèo, hộ khó khăn, do sản xuất kinh tế kém hiệu quả. Riêng 2-3 năm trở lại đây, nhờ được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mô hình khuyến nông, đào tạo việc làm, cho vay ưu đãi… nên bà con trong xóm đã tích cực hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đơn cử như gia đình chị Liên, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh chị đã có 4 ha cà phê trồng xen canh các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mỗi năm cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tận dụng các diện tích sản xuất dọc theo sông, suối để trồng 3 sào dâu, nuôi mỗi lứa một hộp tằm. Nhận thấy cách làm kinh tế hiệu quả của gia đình chị, nhiều hộ dân trong xóm cũng đã học hỏi làm theo. Những hộ dân có nhiều đất thì tích cực cải tạo vườn cà phê già cỗi, trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao. Còn những hộ dân có ít đất sản xuất hoặc khó khăn về vốn thì cũng đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc chú trọng đầu tư, phát triển sản xuất; tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc người M’Nông nơi đây cũng đang dần thay đổi. Chị Liên cho biết thêm: Đến Bãi Mía những ngày này, một điều dễ dàng nhận ra là các ngôi nhà đều trở nên vắng lặng hơn. Người dân đã không còn quanh quẩn trong những nóc nhà, thay vào đó là tiếng nói cười, gọi nhau ríu rít trên những vườn cà phê chín đỏ.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đạ R’sal Lương Xuân Hường, bên cạnh chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân, việc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng cho khu vực Bãi Mía cũng được các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là tiêu chí giao thông. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, con đường từ thôn Phi Jút đi Bãi Mía đã được UBND xã bê tông hóa, cứng hóa. Qua đó, phục vụ việc đi lại và sản xuất, góp phần kết nối giao thương cho người dân, bộ mặt thôn, xóm cũng đổi thay từng ngày. Nhất là người dân không còn cảnh phải đi đường đất, bụi vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa.
Đánh giá một cách tổng thể, khu vực Bãi Mía nói riêng và thôn Phi Jút vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên để tạo “cú hích” mạnh mẽ cho sự đổi thay nơi đây. Đối với địa phương, trong thời gian đến, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển văn hóa - xã hội một cách đồng bộ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, y tế, dân số, gia đình; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
HOÀNG SA