Cần quyết liệt bảo vệ rừng ven Dự án hồ chứa nước Ta Hoét

05:12, 16/12/2021

Với hơn 500 cây thông 3 lá, dầu trà beng và dẻ có đường kính gốc từ 8 tới 50 cm bị cưa hạ (gần 54 m3 gỗ) có tổ chức tại Tiểu khu 267C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) vào đầu tháng 12 vừa qua...

Với hơn 500 cây thông 3 lá, dầu trà beng và dẻ có đường kính gốc từ 8 tới 50 cm bị cưa hạ (gần 54 m3 gỗ) có tổ chức tại Tiểu khu 267C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) vào đầu tháng 12 vừa qua, người dân khu vực bức xúc đặt câu hỏi liệu khu vực này tiếp tục bị cưa hạ, lấn chiếm tới khi nào? 
 
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh nhổ bỏ cây mắc ca các đối tượng lén lút trồng trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 267C
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh nhổ bỏ cây mắc ca các đối tượng lén lút trồng trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 267C
 
Đây là câu hỏi hoàn toàn chính đáng dành cho đơn vị chủ rừng, cũng như cơ quan hữu trách liên quan, bởi khu vực rừng nêu trên nằm ven Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (cách Quốc lộ 20 chưa đầy 1,7 km) lâu nay đã có tiền lệ xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất nhưng chưa tìm được thủ phạm để xử lý đích đáng.
 
•  ĐIỂM “NÓNG” PHÁ RỪNG, KEN CÂY
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước khi được UBND tỉnh bàn giao 268 ha đất rừng từ Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt thuê cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh quản lý từ tháng 6/2021 thì không chỉ Tiểu khu 267C mà nhiều tiểu khu khác đã để xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất kéo dài dai dẳng.
 
Cụ thể là Dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 268 ha tại xã Hiệp An được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt từ năm 2007. Thế nhưng, hơn 13 năm qua, cơ quan cức năng nhiều lần kiểm tra, phát hiện Công ty này không những không triển khai nhiều hạng mục đã cam kết mà còn để đất rừng bị tàn phá, lấn chiếm, khiến dư luận, người dân khu vực hết sức bức xúc.
 
Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết vào tháng 9/2019, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ít nhất 10 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích lên tới gần 5 ha. Cũng trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng phát hiện 3 vụ phá rừng tại Tiểu khu 278A và 5 vụ phá rừng tại Tiểu khu 167C. Ngoài ra, 8 vụ khai thác rừng trái pháp luật cũng được phát hiện tại hai tiểu khu này. Gần đây nhất, tháng 3/2020, lực lượng chức năng huyện Đức Trọng tiếp tục phát hiện tại 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp làm mất 3 ha và 1 vụ phá rừng trái pháp luật thuộc dự án của Công ty Hàn Việt. 
 
Trước thực trạng nêu trên, tháng 6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 268 ha đất đã cho Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt thuê và giao Ban QLRPH Đại Ninh quản lý. Nguyên nhân thu hồi được UBND tỉnh chỉ rõ do doanh nghiệp này đã để đất được Nhà nước cho thuê bị lấn chiếm, chậm đưa đất vào sử dụng quá 24 tháng theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm của doanh nghiệp đã được xác định tại Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ và Kết luận số 2094/KL-UBND tỉnh ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng với hàng loạt sai phạm liên quan tới buông lỏng quản lý, để xảy ra lấn chiếm đất cho thuê số lượng lớn,…
 
Như vậy, trên diện tích 268 ha đất rừng doanh nghiệp này thuê có rất nhiều tiểu khu để xảy ra việc cưa hạ cây rừng, lấn chiếm đất kể từ tháng 6/2021 trở về trước. Và trong thời gian đợi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, các đơn vị liên quan lập hồ sơ, đo đạc hiện trạng bàn giao tài nguyên rừng cho đơn vị mới thì các đối tượng lại tiếp tục có các hành vi phá rừng quyết liệt hơn.
 
•  MỚI BÀN GIAO THÌ BỊ PHÁ TIẾP
 
Theo báo cáo xác minh ban đầu (ngày 7/12) từ Ban QLRPH Đại Ninh phối hợp với các lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đức Trọng thì có tới 7 vị trí cây rừng tự nhiên bị các đối tượng cưa, chặt phá trên phạm vi diện tích khoảng 37.555 m2. 
 
Trong đó, có một phần diện tích bị chặt trắng toàn bộ cây rừng và một phần bị chặt rải rác. Theo kết quả kiểm đếm có tổng số cây bị cưa, chặt là 519 cây có đường kính gốc từ 8 - 50 cm, lâm sản còn tại hiện trường gồm 639 lóng, khúc với tổng khối lượng 53,97 m3 gỗ (gồm gỗ khô mục, gỗ khô và gỗ tươi) từ nhóm 4 - 6, gồm thông 3 lá, dầu trà beng và gỗ dẻ.
 
Bên cạnh đó, tổng diện tích bị lấn chiếm trên 5 ha thuộc đối tượng đất rừng sản xuất, trong đó có 47.118 m2 nằm trong diện tích thiết kế khai thác tận dụng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác tận dụng gỗ trên diện tích chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, hiện trạng tại thời điểm kiểm tra trên diện tích lấn chiếm đã trồng cây cà phê, mắc ca, mai anh đào và chuối. Các đơn vị xác định đa số thông rừng bị cưa hạ xảy ra vào trước tháng 11/2021.
 
Về phát hiện các hành vi vi phạm lâm luật, ngày 24/10, Ban QLRPH Đại Ninh phối hợp với Công an huyện, Công an xã Hiệp An và kiểm lâm địa bàn tuần tra, mật phục phát hiện 3 người dân (đều là các hộ ngụ thôn K’Rèn, xã Hiệp An) đang thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật với diện tích 205 m2. Số cây thông bị cưa hạ 4 cây có đường kính từ 20 - 37 cm, khối lượng lâm sản thiệt hại trên 3 m3. Qua lời khai ban đầu, một người tên Mỹ ngụ xã Hiệp An đã thuê 3 người dân cắt hạ với mục đích phá rừng để chiếm đất với giá 250.000 đồng/cây thông. Còn ngày 22/11, đơn vị cũng đã phát hiện 2 trường hợp người dân đang đo đạc đất trên diện tích rừng đã lấn chiếm nên đã lập biên bản, bàn giao cho Công an huyện Đức Trọng xác minh, xử lý.
 
Ông Trương Văn Quang, Phó Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh cho rằng, từ khi nhận Quyết định vào ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ 268 ha đất rừng, đơn vị bước đầu đã lập kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng trên diện tích giao nhận. Cụ thể, Ban đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đức Trọng xây dựng 7 kế hoạch tuần tra, kiểm tra. Riêng Ban có 3 kế hoạch phối hợp tổ chức giải tỏa 3 đợt cây nông nghiệp trồng trên đất rừng với tổng diện tích 86.870 m2. Tất cả đều trên diện tích đất dân lấn chiếm trước tháng 6/2021.
 
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, mặc dù liên tiếp giải tỏa, tuần tra nhưng đây vẫn là “điểm nóng” lấn chiếm đất rừng, ông Quang thừa nhận thời gian qua nạn phá rừng, ken cây, lấn chiếm đất diễn ra phức tạp hơn tại một số khu vực đất rừng nhận bàn giao từ Công ty Hàn Việt. Nguyên nhân là do khu vực rừng tại đây có địa thế view đẹp, nằm giáp ranh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét đang được UBND tỉnh triển khai thực hiện nên nhiều đối tượng lợi dụng trời mưa gió, thời điểm dịch COVID-19 lan rộng để phá rừng trái pháp luật. Đây là thực trạng nhức nhối mà lãnh đạo Ban QLRPH Đại Ninh chưa có các biện pháp giải quyết dứt điểm.
 
“Thời gian vừa qua, khi chúng tôi tiến hành giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp, nhiều đối tượng là người cư trú trên địa bàn xã Hiệp An kéo tới chửi bới, xô đẩy, ngăn cản anh em làm nhiệm vụ. Sau đó, khi anh em nhổ bỏ cây chuối, mai anh đào, mít vừa xong thì vài ngày sau có người đã trồng cây nông nghiệp, lấn chiếm lại, không những một lần mà ba lần” - ông Quang nói và cho hay nhiều tuần qua, Ban đã bố trí 4 cán bộ, nhân viên trực 24/24 tại 2 chòi canh di động để mật phục, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tại các vị trí rừng đã có hiện trạng bị phá nhiều nhất.
 
Khi được hỏi về trách nhiệm khi để xảy ra vụ phá rừng nêu trên, ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết, quan điểm của ông là trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị với vai trò là chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ. “Trước mắt, chúng tôi đang tích cực cùng Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện Đức Trọng cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, kiểm kê đo đạc lại các diện tích rừng bị cưa hạ, lấn chiếm thời điểm Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt quản lý và diện tích nào mới bị phá để xác lập, bóc tách số liệu cụ thể, nhằm xác định trách nhiệm của từng đơn vị. Quan điểm của chúng tôi là không trốn tránh trách nhiệm liên quan” - ông Nhẫn cho biết.
 
CHÍNH THÀNH