Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Phi Liêng (huyện Đam Rông) đã kiên quyết xử lý các cá nhân, đơn vị được phân công phụ trách địa bàn để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Cùng với đó, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, từ đó, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã giảm nhiều so với thời điểm năm 2020 trở về trước.
|
Cán bộ Ban QLRPH Phi Liêng phối hợp với kiểm lâm địa bàn cùng các hộ dân tham gia nhận khoán đi tuần tra, kiểm tra rừng |
Hiện, Ban QLRPH Phi Liêng được giao quản lý 11.902,5 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 5.726,7 ha, rừng sản xuất 6.175,8 ha. Đồng hành giữ rừng cùng đơn vị là 292 hộ dân, thuộc 15 tổ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại 12 thôn của xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng với tổng diện tích 5.748,53 ha, còn lại là các đơn vị tự nhận khoán quản lý, bảo vệ với diện tích 674,98 ha.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng Ban QLRPH Phi Liêng cho biết: Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên của cấp lãnh đạo huyện. Đồng thời, luôn có sự phối hợp với các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương các xã. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế trong khu vực còn khó khăn, áp lực về dân số và nhu cầu về đất sản xuất rất lớn, trong khi đó địa bàn rừng đơn vị quản lý rộng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng nên dẫn đến công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Trong năm 2021, trên toàn lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm là hơn 3,7 ha, giảm 71,3% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng lâm sản thiệt hại 24,351m
3, giảm 31,283% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn vẫn diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt, tại các Tiểu khu 215, 212, 216 và các điểm nóng dọc tuyến đường từ làng Mông (Tiểu khu 212, 213) thôn Dơng Glê - xã Phi Liêng xuống khu vực Tây Sơn… Do đó, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các trạm quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp các xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng tổ chức cho các hộ nhận khoán tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn quản lý; đồng thời, xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét để ngăn chặn ngay từ đầu các vụ vi phạm khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng 5 kế hoạch kiểm tra truy quét và giải tỏa ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép tại một số tiểu khu có nguy cơ cao về xảy ra vi phạm lâm luật thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý. Riêng trong năm 2021, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn các xã giải tỏa được 39,86 ha/145 vị trí do người dân lấn chiếm để trồng cà phê. Đối với các diện tích đã giải tỏa, đơn vị tăng cường quản lý chống tái lấn chiếm để rừng tái sinh lại, số diện tích đủ điều kiện thiết kế trồng rừng đơn vị đã đưa vào thiết kế hồ sơ trồng rừng sau giải tỏa năm 2021. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục rà soát các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để lập kế hoạch giải tỏa trong thời gian tới để đưa vào kế hoạch trồng rừng năm 2022.
Ngoài ra, công tác phát triển rừng cũng đã được đơn vị quan tâm thực hiện thông qua Đề án 1836 và kế hoạch trồng 4,4 triệu cây xanh của tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, đơn vị đã cấp phát cây giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cho các hộ gia đình trồng xen 7.990 cây mắc ca trên diện tích 57,90 ha; thực hiện trồng hơn 110.000 cây thông ba lá.
Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý chỉ mới ghi nhận 1 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với diện tích rừng bị xâm phạm là 850 m2; vụ việc cũng đã được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xác định được đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tiến hành giải tỏa 38 vị trí phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 237, 251 - xã Đạ K’nàng; Tiểu khu 213, 214, 216, 212, 211, 217 - xã Phi Liêng với tổng diện tích giải tỏa hơn 7,6 ha.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng đã được đơn vị triển khai đầy đủ các hạng mục công trình trong mùa khô 2021 - 2022. Đặc biệt, tại các khu vực có rừng trồng tập trung, đơn vị đã tổ chức các lực lượng trực nghiêm túc, có phương án huy động lực lượng chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; đồng thời, báo cáo về Hạt Kiểm lâm Đam Rông vào lúc 15h30’ - 16h hằng ngày.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cả về nội dung, hình thức; phối hợp với Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền về công tác bảo vệ, phát triển rừng; tập trung đối với cộng đồng dân cư sống gần rừng, ven rừng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn” - ông Giang cho hay.
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin