Thương mại điện tử (TMĐT) đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, TMĐT Việt Nam có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Theo đó, TMĐT giữa doanh nghiệp với các cá nhân (B2C) Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 16 - 17%, đạt mốc 13,7 tỷ USD, chiếm gần 6% tổng mức tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo, năm 2022, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới và đến năm 2025, quy mô TMĐT Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ 3 khu vực ASEAN.
Ảnh: Internet |
•
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NHẢY VỌT
Đồng hành với những thách thức, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2020 - 2021, thị trường TMĐT Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, đã có các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Năm 2021, trong khi nhiều ngành hàng, lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường TMĐT vẫn có mức tăng trưởng và phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng nhanh chóng đến từ người dùng trong lĩnh vực TMĐT. Người tiêu dùng cũng đã thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm khi mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn, khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Việc duy trì mức độ cao trong tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Những thay đổi trong cách thức tiếp cận mua bán hàng dựa trên nền tảng số đã giúp TMĐT chuyển mình với những thay đổi mạnh mẽ từ một kênh phụ, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng và trở thành kênh mua sắm tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Năm 2021, thị trường TMĐT Việt Nam đã ghi dấu mốc với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu khi lần đầu tiên hàng chục loại nông sản, trái cây vùng, miền của Việt Nam được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và các sàn TMĐT.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có quy mô người tiêu dùng khá lớn sẽ tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng quy mô TMĐT trong thời gian tới. Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT đạt 56 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
• DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG TMĐT NĂM 2022
Năm 2022, TMĐT Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường sẵn sàng cho phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia, năm 2022 hứa hẹn cuộc đua giành thị phần giữa các ông lớn như: Lazada, Shopee, Tiki và Sendo… trên sàn TMĐT. Cuộc đua giành thị phần này sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường. Để tăng năng lực chiếm lĩnh thị phần trên thị trường, nhiều ông lớn đang đổ vốn đầu tư vào thị trường TMĐT.
Cùng với cuộc chạy đua đổ vốn mở rộng thị trường chiếm lĩnh thị phần của các ông lớn trên sàn TMĐT, một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển như: Các vườn ươm, những trung tâm tăng tốc phát triển và các phòng thí nghiệm đổi mới… cũng đang tạo ra các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ giúp nền kinh tế internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu. Thị trường TMĐT sẽ tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.
Dự báo về thị trường TMĐT Việt Nam 2022, các chuyên gia đã đưa ra một số xu hướng trong đó có thể chỉ ra 3 xu hướng. Xu hướng thứ nhất là cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng. Xu hướng thứ hai là thanh toán không tiền mặt và Xu hướng thứ ba là tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Đánh giá về phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, TMĐT Việt Nam đang có một tiền đề vững chắc để phát triển, với một khuôn khổ pháp lý cho TMĐT khá hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, sự phổ cập của internet và điện thoại thông minh cho người tiêu dùng... Bên cạnh đó, những cú hích từ dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn 2020 - 2021 đã mang lại những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, thói quen tiêu dùng và những yêu cầu phải chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp lớn để có thể đương đầu được trước những thách thức của dịch bệnh COVID-19 mang lại. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, những động lực này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đưa TMĐT Việt Nam phát triển đến mức độ trước nay chưa từng thấy.
D.QUỲNH (theo Mt-consovasukien)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin