Tuy mới triển khai trồng giống lúa ngon nhất thế giới (ST25) từ vụ Hè Thu 2021, nhưng kết quả cho thấy giống lúa này khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, địa phương này đang tiến hành nhân rộng ra cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng trên đồng ruộng.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số Di Linh chuyển đổi trồng giống lúa ST 25 chất lượng cao |
Diện tích lúa trên địa bàn huyện Di Linh chủ yếu do bà con dân tộc thiểu số canh tác. Những năm trước đây, nông dân chỉ sử dụng giống lúa cũ chất lượng thấp. Qua đó, Trung tâm Nông nghiệp đã triển khai mô hình trình diễn trồng thử nghiệm giống lúa ST25 của của nhóm tác giả Hồ Quang Cua sản xuất, trồng tại cánh đồng thị trấn Di Linh và xã Sơn Điền. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% chi phí giống , vật tư, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Là hộ đầu tiên trồng giống lúa mới ST 25 vào địa phương, ông Đong Dor Sinh (Tổ dân phố K’Ming, thị trấn Di Linh) cho biết, được vận động, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi trồng giống lúa mới, gia đình đã chuyển trồng 1 ha giống lúa mới ST 25. Thực tế sản xuất, giống lúa này có tỷ lệ nảy mầm tốt, bộ lá đứng, gốc gọn, thoát cổ bông tốt, độ thuần đồng ruộng cao, phù hợp với đồng đất của địa phương. Lúa đẻ nhánh khá và tập trung. Đây là lúa thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm nổi tiếng thế giới với nhiều phẩm chất được xếp vào hàng “thượng hạng.” Các công đoạn từ việc tuyển chọn hạt giống cho đến quy trình gieo trồng đều đảm bảo tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt của quy trình sản xuất gạo để cho ra hạt gạo cao sản sạch và an toàn sức khỏe. Vụ Hè Thu vừa qua, năng suất lúa khoảng 6 tấn/ha, so với giống lúa cũ, giá hơn gấp đôi.
Tương tự, ông K’Briu (Tổ dân phố K’Ming) cho biết, một số giống lúa trước đây của bà con đã bị thoái hoá, năng suất lúa trong những năm qua giảm, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích thấp. Được Trung tâm Nông nghiệp chuyển giao, hỗ trợ giống lúa mới ST25 gia đình ông cũng chuyển đổi trồng 0,5 ha. Ông Briu chia sẻ, trong quá trình trồng trên đồng ruộng có phát sinh, xuất hiện một số đối tượng như: Sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đốm nâu, đạo ôn..., nhưng nhờ theo dõi đồng ruộng, phát hiện sớm, gia đình phòng trừ kịp thời. Mặt khác, do đặc điểm giống mới thường có khả năng kháng sâu bệnh khỏe nên tỷ lệ nhiểm thấp, giống có thời gian sinh trưởng gần 4 tháng, năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha.
Qua thời gian triển khai trồng, các nông hộ cơ bản đã áp dụng được quy trình canh tác lúa nước, giảm được lượng giống gieo sạ so với trước đây, biết áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất. Kết quả cho thấy giống lúa ST25 khỏe, khả năng đẻ nhánh khỏe và nhiều, lúa trổ nhanh, thời gian trổ ngắn từ 5 - 7 ngày, hạt thon dài, cây có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, có bộ lá gọn, đứng thuận lợi cho quá trình quang hợp, lúa cứng cây tạo khả năng chống đổ, màu sắc lá đòng xanh đậm. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống khác tại địa phương từ 1 - 1,3 lần.
Ông Vũ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện Di Linh một số giống lúa qua quá trình sản xuất đại trà đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải thay thế. Việc trồng giống lúa ST25 nhằm thay thế những giống lúa cũ đã bị thoái hóa, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
Nhờ sự tuyên truyền vận động, tập huấn chuyển giao KHKT của kỹ sư đã có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất lúa tại địa phương. Hiện, hầu hết các nông hộ đã sử dụng giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao; gieo sạ mật độ giảm thấp và hạn chế sâu bệnh hại; đã áp dụng quy trình thâm canh lúa để nâng cao năng suất, góp phần giữ vững an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Trung tâm Nông nghiệp đã nhân rộng mô hình lúa ST25 tại xã Gung Ré với diện tích 15 ha… Thời gian tới, huyện nhân rộng giống lúa mới này lên hơn 100 ha hỗ trợ nhân rộng và phát triển các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đồng thời, tổ chức liên kết với các công ty, doanh nghiệp để thực hiện các chuỗi giá trị trên cây lúa nhằm phát triển nghề trồng lúa tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, từ đó, nâng cao năng suất, ổn định đầu ra, tránh sự ép giá của tư thương giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin