Sau 10 năm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tạo ra bước chuyển đáng ghi nhận về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
|
Toàn tỉnh Lâm Đồng đã cấp chứng nhận hơn 5.710 ha sản xuất VietGAP |
•
TỪ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG
Từ cuối năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng làm đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện Luật ATTP từ quy trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến đến bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Qua 10 năm triển khai, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành 4 Chỉ thị, 6 Quyết định, 91 Kế hoạch, 151 Công văn về công tác tổ chức quản lý ATTP lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đầu mối Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng kiện toàn bộ máy các đơn vị chuyên môn quản lý về ATTP ở cấp tỉnh gồm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Thanh tra Sở. Ở cấp huyện có 2 Phòng Kinh tế, 10 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 Trung tâm Nông nghiệp.
Hoạt động thường xuyên của các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP với nhiều hình thức đa dạng. Cụ thể phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng vận động hội viên và Nhân dân tự giác chấp hành quy định về đảm bảo ATTP, không sử dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, hàng giả, các loại thuốc hoặc hoá chất ngoài danh mục cho phép. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp đồng bộ các sở, ban, ngành liên quan từ tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn tuyên truyền về đảm bảo ATTP với nhiều hình thức đa dạng khác như: Treo băng rôn với nội dung vận động người dân chung tay xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, bền vững, sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; phát hành tờ rơi, dán poster thông tin về các hoạt chất cấm sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi; phát hành sổ tay quản lý chất lượng ATTP đối với sản xuất rau, chè, gia cầm, chăn nuôi heo... Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng còn tổ chức gần 370 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP cho 17.181 lượt cán bộ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã; xác nhận kiến thức ATTP cho 6.525 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy sản trên địa bàn…
•
ĐẾN THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Gắn với công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phối hợp các cơ quan chức năng thẩm định, thanh tra, kiểm tra xếp loại ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo từng năm. Cụ thể giai đoạn 2012 - 2016 đã thẩm định phân loại 1.205 cơ sở (chiếm tỉ lệ 82% loại A, B; 18% loại C); thanh tra, kiểm tra 1.043 cơ sở (chiếm tỉ lệ 81% cơ sở đạt yêu cầu; 19% cơ sở vi phạm). Đến giai đoạn 2017 - 2021 tăng lên 2.406 cơ sở được thẩm định, phân loại A, B chiếm tỷ lệ 96%; loại C chiếm tỉ lệ 4%; thanh tra, kiểm tra với kết quả 600 cơ sở đạt yêu cầu, 86 cơ sở vi phạm. Số cơ sở được thẩm định xếp loại, thanh tra, kiểm tra ATTP tăng lên theo từng năm, trong đó, số cơ sở xếp loại A, B đạt yêu cầu tăng, số cơ sở loại C, không đạt yêu cầu giảm dần. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những bước tiến nhất định về điều kiện đảm bảo ATTP. Các cơ sở xếp loại C, không đạt yêu cầu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ về trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Đối với các cơ sở vi phạm, đoàn thẩm định xếp loại, thanh tra, kiểm tra ATTP đã kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm. Tính riêng giai đoạn 2011 - 2021 đã tiến hành xử phạt hơn 837 triệu đồng đối với 103 cơ sở vi phạm…
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng ATTP, đảm bảo nông sản thực phẩm kiểm soát từ khâu sản xuất đến kinh doanh trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng ATTP cho người dân; tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với từng trường hợp vi phạm… Mặt khác, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người sản xuất và người tiêu dùng tham gia quản lý, giám sát chất lượng ATTP; hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C, UTZ, ISO, HACCP… gắn với xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Mục tiêu phấn đấu 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người quản lý, người tiêu dùng kiến thức và thực hành đúng về ATTP, phát huy thương hiệu nông, lâm, thuỷ sản đặc trưng của Lâm Đồng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin