Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển các ngành kinh tế

06:10, 21/10/2022
Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. 
 
Nhiều công trình, dự án tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh được đầu tư
Nhiều công trình, dự án tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh được đầu tư
 
Chuyển biến rõ nét có thể nói đến là mạng lưới giao thông. Nhiều công trình, dự án tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh được đầu tư, nâng cấp như tuyến Quốc lộ 20 kết nối với tỉnh Đồng Nai, tuyến Quốc lộ 27C kết nối với tỉnh Khánh Hòa... và hiện đang tiếp tục thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương, nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 28B dài 69 km, đoạn đèo Mimosa;... Qua đó, lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
Đối với hạ tầng cho phát triển ngành Công nghiệp, các hạ tầng thiết yếu tại Khu Công nghiệp (KCN) Lộc Sơn và KCN Phú Hội cơ bản đã được đầu tư xây dựng trên phần diện tích được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các KCN đã có hệ thống đường giao thông, điện, nước cấp, thoát nước mặt và nước thải phục vụ nhu cầu sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các KCN. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch sau khi điều chỉnh là 352 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 258,97 ha, chiếm 73,57% tổng diện tích đất CCN; có 7/10 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích 199,4 ha với tỷ lệ lấp đầy 58,63%. 
 
Để phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp, hạ tầng thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 435 công trình thủy lợi bao gồm: 223 hồ chứa và liên hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm; khoảng 1.200 km kênh mương; 91 đập tạm; 12 kênh tiêu; hệ thống công trình trên đã chủ động cấp nước tưới cho khoảng 46.169 ha đất canh tác. Theo thống kê, năm 2021, diện tích được tưới đạt 136.736 ha (chiếm 66% diện tích cần tưới, tăng 7,6% tương đương 18,5 ngàn ha so với năm 2015), trong đó diện tích được tưới từ công trình thủy lợi tập trung đạt 46.169 ha (tăng 2.856 ha so với năm 2015). Tổng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước năm 2020 khoảng 38.508 ha, đạt khoảng 19% diện tích cần tưới thì đến cuối năm 2021, diện tích tưới tiên tiến tiết kiệm nước khoảng 44.265 ha, trong đo,́ tưới phun mưa 40.061 ha; tưới nhỏ giọt 3.929 ha... 
 
Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm tại các vùng sản xuất tập trung được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng sản xuất nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường; trong đó xây dựng mới 705 km, nâng cấp, sửa chữa 1.200 km, đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85/1.600 m cầu lớn nhỏ. Đến nay, mạng lưới đường giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân. 
 
Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có sự biến chuyển mạnh mẽ, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã xây dựng 2 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại, 1 trung tâm logistic, 1 trung tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng và 1 trung tâm thương mại bán buôn hàng vật tư sản xuất. Hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp bán lẻ tại các trung tâm huyện, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân; hình thành 3 kho bảo quản, lưu trữ nông sản tại huyện Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm. Phát triển hệ thống chợ, trong đó hình thành chợ và trung tâm giao dịch hoa tại thành phố Đà Lạt; nâng cấp mở rộng các chợ hiện có, đầu tư xây mới chợ nông thôn. 
 
Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch cũng ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 2.762 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 455 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.884 phòng; 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 3 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan khác. 
 
Hệ thống hạ tầng cho phát triển văn hóa - xã hội được đầu tư gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được chú trọng; tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện các dự án tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích và xây dựng, sửa chữa một số thiết chế văn hóa... Qua đó, từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, khắc phục tình trạng xuống cấp các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của mọi tầng lớp Nhân dân. Quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của Nhân dân và xã hội.
 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị y tế được quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại, khang trang sạch đẹp, từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn chỉnh trên các mặt hoạt động, bước đầu giải quyết được các bệnh lý phức tạp, chuyên sâu, góp phần hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và từng bước phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu phấn đấu đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 
 
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực vừa nâng cấp các nhà máy cấp nước, vừa đầu tư mở rộng hệ thống đường ống mạng lưới cấp nước đến các khu dân cư tại các đô thị. Đến hết năm 2020, tất cả các đô thị tại tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy cấp nước sinh hoạt, hiện đáp ứng khoảng 72% nhu cầu sử dụng nước của người dân các đô thị, riêng thành phố Đà Lạt là 95%. 
 
NGUYÊN THI