Mẹ bảo năm nay không đốt pháo
Dành tiền mua lấy bánh chưng xanh
Bé nghe gió thổi bên hàng xóm
Khói bếp nhà ai lượn chòng chành
Con mực không còn cong đuôi chạy
Mỗi khi tiếng pháo nổ vang hè
Ồ chim vành khuyên mừng tuổi mới
Cứ hát lời thơ trên khóm tre
Con mèo chẳng còn run xó bếp
Như cậu thư sinh rất chỉnh tề
Đủng đỉnh dạo chơi ngoài hiên nắng
Nhìn hoa vạn thọ nở sum suê
Còn bé yên tâm đi hái lộc
Rộn bước đường vui với gót hài
Chẳng phải thót tim nghe tiếng pháo
Giật mình vội vã... bịt hai tai!
LÊ MINH QUỐC
Lời bình:
Ngày Tết có nhiều phong tục tốt đẹp được phát huy và trở thành truyền thống ngàn đời. Cũng có những phong tục không còn phù hợp nên phải bỏ như đốt pháo Tết. Nhà thơ Lê Minh Quốc có một tứ thơ khá hay viết cho các em “Tết không pháo” thật chí lý, có sức thuyết phục mà vẫn hóm hỉnh hồn nhiên tươi tắn.
Mở đầu bài thơ là giọng tâm tình, thủ thỉ: “Mẹ bảo năm nay không đốt pháo/ Dành tiền mua lấy bánh chưng xanh” đó là sự tiết kiệm cần thiết. Nhưng ở đây tiền không mua pháo nổ ngày Tết để mua bánh chưng - một món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mân cỗ ngày tết mang cả nét văn hóa lâu đời của dân tộc. Nhưng với tâm hồn nhạy cảm của trẻ thơ thì: “Bé nghe gió thổi bên hàng xóm/ Khói bếp nhà ai lượn chòng chành”. Nghe được cả khói bếp lại chòng chành như con thuyền lắc sóng của trò chơi thú vị thì chỉ có các em với sự rung cảm hiếu động của mình mới nhận ra. Chòng chành là một cảm giác bắt nhịp với khói bếp thật sinh động và mơ mộng. Ở đây thấm cả hồn Tết, phong vị Tết mà vẫn hoan hỉ, sẻ chia. Thật thú vị khi nhà thơ bắt được một chi tiết hay và ngộ nghỉnh: “Con mực không còn cong đuôi chạy/ Mỗi khi tiếng pháo nổ vang hè” tạo ra sự ấm áp, thân thiết, bình an. Không những thế, sự giao hòa yên ả đó còn nới rộng, tỏa rộng không gian: “Ồ chim vành khuyên mừng tuổi mới/ Cứ hát lời thơ trên khóm tre”, đó là âm thanh trong trẻo của tiếng chim hót đã thổi vào không khí Tết khi không đốt pháo sự trong lành, trong trẻo. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh thuần hậu ít có sự xáo trộn, bình lặng mà vẫn náo nức. Ở đây, ống kính tâm hồn của nhà thơ đã bắt được một cận cảnh khá độc đáo: “Con mèo chẳng còn run xó bếp/ Như cậu thư sinh rất chỉnh tề”. Năm này, Tết năm Mão (Mèo) thì hình ảnh này càng gần gũi, thiết thực và đồng cảm, đồng hành. Không có tiếng pháo nhưng ta vẫn có cảm giác rộn ràng bởi hoa vạn thọ nở sum suê, bởi cái động thái ung dung bình thản: “Đủng đỉnh dạo chơi ngoài hiên nắng” của chú mèo. Bài thơ chỉ mấy nét chấm phá mộc mạc mà vẽ nên được sắc màu tươi tắn, âm thanh rạo rưc của khung cảnh thiên nhiên ngày Tết, đó chính là “tiếng pháo” âm vang ngân vọng xôn xao của sự sống đâm chồi nảy lộc với cuộc sống bình an, sống chậm hợp với lứa tuổi thơ.
Khổ thơ cuối khá dí dỏm với một động thái rất hồn nhiên khi bé đi hái lộc thật tung tăng, thật hồ hởi: “Chẳng phải thót tim nghe tiếng pháo/ Giật mình vội vã... bịt hai tai!”. Thơ viết cho các em thường có những bất ngờ tạo ra sự thích thú mỹ cảm để dẫn dắt tâm tình hơn là những lời giáo huấn khô khan cứng nhắc. “Tết không pháo” là một đề tài khó và nhạy cảm, nhà thơ Lê Minh Quốc từ sự quan sát tinh tế, chọn chi tiết sinh động và gần gũi ngày thường đã chuyển tải một thông điệp: “Tết không pháo” nhưng vẫn tưng bừng, vẫn rạo rực bởi sự giao cảm hòa đồng của con người với thiên nhiên đã tạo ra bao âm thanh náo nức để đón Tết với phong vị Tết, không khí Tết an lành và tươi vui, tươi trẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin