Ngọn sóng đại dương trắng xóa mạn tàu,
Con tàu đi vượt ngàn trùng giông bão
Có các anh những người làm báo
Đến đảo chìm, đảo nổi Trường Sa.
Ngọn bút trong tay anh ghi chép chẳng nhòa
Dù nét chữ vẹo xiêu như ngổn ngang sóng biển
Những khuôn hình trong máy vừa vụt hiện
Phập phồng chấp chới cánh chim.
Trong lòng anh có ngọn sóng nào không?
Đó ngọn sóng của tình yêu Tổ quốc
Đó ngọn bút chưa bao giờ cạn mực
Từ trái tim nhà báo với Trường Sa.
Ngọn sóng hòa ngọn bút hóa lời ca
Cây ở đảo tên Phong Ba bão cuốn
Những trang báo mặn mồ hôi vị biển
Bỗng sáng ngời hàng chữ cát lung linh...
NGUYỄN QUỐC HUY
Canh giữ biển, đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Thương |
• Lời bình:
Nhà báo có một công cụ sắc bén để tác nghiệp, đó là ngòi bút, mặc dù hiện nay có nhiều phương tiện trang bị hiện đại, ngòi bút là một biểu tượng cho nghề báo, nghề viết. Bác Hồ kính yêu - một nhà báo vĩ đại trong “Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ năm 1947” đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những thứ vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Còn nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh) có câu thơ khá nổi tiếng: “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ”. Nguyễn Quốc Huy vốn là một nhà báo, vì thế, khi anh ra tác nghiệp ở Trường Sa trước sóng gió của đại dương thì hình ảnh của ngọn sóng đã cho anh một thi tứ, một hình ảnh, một cảm hứng để liên tưởng: “Ngọn bút với Trường Sa” thật kỳ vĩ với bao xúc động khi nghĩ về Tổ quốc lớn lao, nghĩ về trách nhiệm của người làm báo đến với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trọn vẹn hải đảo thiêng liêng.
Mở đầu bài thơ cũng chính là hành trình nhà báo ra với đảo Trường Sa: “Con tàu đi vượt nghìn trùng giông bão” để “Đến đảo chìm, đảo nổi Trường Sa”. Cái hay của bài thơ là sự so sánh của ngọn bút với: “Nét chữ vẹo xiêu như ngổn ngang sóng biển” nhưng nét chữ “ghi chép chẳng nhòa”. Ở đây có một thực tại là biển khơi cuộn sóng làm tàu chao đảo khiến người chao đảo nhưng trong tâm thế của nhà báo lại định vị một ngọn bút không nghiêng ngã chao đảo, không nhòa mà vẫn rõ nét tô thắm, tô đậm tinh thần bám trụ đảo xa, neo giữ đảo xa của người chiến sỹ. Không nhòa, cũng chính là sáng tỏ một cái “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” của người làm báo. Đó là những giây phút tâm hồn lãng mạn bay bổng với bao khát vọng tự do hòa bình mà vẫn phập phồng tin yêu cuộc sống khi bắt gặp: “Những khuôn hình trong máy vừa chợt hiện/ Phập phồng chấp chới cánh chim”. Tôi rất thích hình ảnh “chấp chới” thật sống động, thật linh hoạt, tươi trẻ của con người gắn bó thân thiện với thiên nhiên. Một câu hỏi tự vấn thường trực - hỏi và đáp như một tuyên thệ, một tự nguyện, một thiết tha, một bồi đắp tình yêu Tổ quốc, tình yêu nghề báo: “Trong lòng anh có ngọn sóng nào không?/ Đó ngọn sóng của tình yêu Tổ quốc/ Đó ngọn bút chưa bao giờ cạn mực/ Từ trái tim nhà báo với Trường Sa”. Đây là những độc thoại chân thành, tha thiết mà cuộn chảy dâng trào qua những điệp khúc khẳng định “Đó ngọn sóng” “Đó ngọn bút”. Hơi thơ, khí thơ, tình thơ bỗng hòa quyện vào nhau tạo ra một động lực tinh thần lớn lao, một ngân rung cộng hưởng da diết. Đó là khi: “Ngọn sóng hòa ngọn bút hóa lời ca”. Trong âm vang của biển cả, ta vẫn nhận ra những hình ảnh chi tiết khắc họa rõ nét ý chí ngoan cường, dẻo dai, bền bỉ của hình ảnh cây “Phong Ba bão cuốn”. Và thật cảm động biết bao ân tình gắn bó chia sẻ, cảm thông lấp lánh tình người từ: “Trang báo mặn mồ hôi vị biển/ Bỗng sáng ngời hàng chữ cát lung linh”. Cát Trường Sa, chữ của Trường Sa, lọc ra như lấp lánh kim cương của Trường Sa từ “Ngọn bút với Trường Sa”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin