Tìm hiểu hôn nhân của người Mạ

THANH DƯƠNG HỒNG 06:01, 23/06/2023

Trong 3 dân tộc thiểu số (DTTS), có nguồn gốc lâu đời ở Lâm Đồng, có lẽ phong tục, tập quán, văn hóa... của người Mạ tiến bộ nhất; đặc biệt, nghi thức cưới và đời sống hôn nhân gia đình của người Mạ rất độc đáo,“tiệm cận” người Kinh...

Nghề dệt thổ cẩm vẫn được duy trì trong đời sống của tộc người Mạ ở Lâm Đồng
Nghề dệt thổ cẩm vẫn được duy trì trong đời sống của tộc người Mạ ở Lâm Đồng

VĂN HÓA MẠ

Theo số liệu thống kê, dân tộc Mạ ở Lâm Đồng hiện có khoảng 40.000 người, chiếm 3% dân số toàn tỉnh, là DTTS có dân số đứng thứ 2 sau người K’Ho. Người Mạ sống tập trung ở các huyện phía Nam: Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên và rải rác ở một số địa phương khác.

Điểm đặc biệt, có lẽ là yếu tố cơ bản làm cho đời sống, nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán, văn hóa của người Mạ khá gần với người Kinh đó là người Mạ theo chế độ phụ hệ (người K’Ho và Chu ru - theo chế độ mẫu hệ). Toàn bộ quyền hành trong gia đình do người đàn ông định đoạt; vai trò người đàn ông trong gia đình người Mạ được tôn trọng cao nhất. Người đàn ông Mạ biểu thị cho niềm tin, sức mạnh và ý chí của tộc người này. Song, bên cạnh đó, vai trò của người phụ nữ trong gia đình người Mạ cũng được tôn trọng và được đối xử bình đẳng...

Theo nhiều nghiên cứu, qua quá trình sinh tồn và phát triển, dù bị tác động bởi sự giao thoa của các nền văn hóa và văn hóa của các dân tộc khác. Các DTTS ở Lâm Đồng sống đan xen là yếu tố tạo ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, nét văn hóa riêng của từng tộc người vẫn được gìn giữ; đặc biệt, văn hóa Mạ đến nay còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Hiện nay, trong vùng dân tộc Mạ ở huyện Bảo Lâm (địa phương có tỷ lệ người Mạ chiếm đông nhất), còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc; đó là các lễ hội dân gian gắn với nông nghiệp và vòng đời được duy trì, tổ chức hằng năm. Người Mạ còn lưu giữ các di sản văn hóa khá phong phú, như văn hóa cồng chiêng, văn hóa đàn đá B’Đạ; chuyện cổ tích, sử thi Mạ, dân vũ, dân ca (yal yau)...

Ở huyện Bảo Lâm hiện có tới 14 đội cồng chiêng tại các xã, thị trấn, với 218 bộ chiêng các loại và 25 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng và chỉnh chiêng được UBND tỉnh công nhận. Đặc biệt, đoàn nghệ nhân người Mạ xã Lộc Bắc đã ra tận Hà Nội biểu diễn phục vụ sự kiện Hội đồng Văn hóa - Giáo dục - Khoa học (UNESCO) - thời điểm UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Bên cạnh đó, đội cồng chiêng xã Lộc Tân cũng hoạt động khá chuyên nghiệp, được mời biểu diễn nhiều nơi trong nước đã được UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ VHTTDL tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương... 

NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI MẠ

Nói đến sự tiến bộ, hay lạc hậu của một bộ phận dân cư, tộc người, ngoài căn cứ vào lối sống, tập quán, văn hóa... thì hệ thống các lễ hội, các nghi thức biểu thị rõ nét nhất. Trong đó, nghi thức cưới của người Mạ thể hiện rất rõ sự tiến bộ về nhận thức, nếp sống của tộc người này.

Như đã nói trên, ngoài sự giao lưu, tiếp xúc với người Kinh; từ việc duy trì chế độ phụ quyền đã tác động lớn đến hôn nhân của người Mạ. Dù vai trò người đàn ông được khẳng định; nhưng trong quá trình sinh sống, những việc gì hệ trọng đều có sự bàn bạc với các thành viên trong gia đình trước khi người đàn ông quyết định. Con cái người Mạ khi đủ tuổi lập gia đình, tự do tìm hiểu và yêu đương. Khi hai trẻ thích nhau, người con trai về thưa với cha mẹ và nhờ người mai mối, tiến hành hôn nhân. Các nghi thức cưới của người Mạ ít rườm rà, tốn kém hơn các DTTS khác; nhất là tục thách cưới gần như đã xóa bỏ.

Đám cưới của người Mạ diễn ra nhanh và tổ chức tại nhà gái, thường vào cuối năm, hoặc đầu năm mới; khi đã thu hoạch xong mùa màng, rãnh rỗi. Ngày cưới, cô dâu (ban), chú rể (klai) mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất với nhiều hoa văn rất đẹp; đeo các loại trang sức: vòng đeo tay bằng kim loại và ở cổ là những chuỗi cườm ngũ sắc...

Nghi thức đầu tiên là lễ cúng Yàng (trời) xin cho đôi trẻ thành chồng vợ. Lễ vật là một chóe rượu cần, một con gà luộc và những chiếc bánh được làm bằng bột nếp. Thịt gà được giã nhỏ gói vào lá chuối, có cơm nếp (xôi), bánh được làm bằng bột nếp (tượng trưng sự gắn bó giữa hai người). Đây là lễ thức rất quan trọng, nên ngoài sự có mặt đông đủ họ hàng của hai gia đình, phải có chủ làng (già làng) dự, làm chứng.
 
Điều thú vị và được xem là quan trọng nhất trong lễ cưới của người Mạ là nghi thức chạm trán của cô dâu, chú rể. Đôi trai gái đứng trước bàn thờ tổ tiên, người chủ hôn bôi máu con vật hiến tế lên trán cô dâu và chú rể để cầu mong sự may mắn cho đôi vợ chồng mới. Sau đó, cô dâu, chú rể quỳ gối, đối mặt nhau để chủ hôn trùm lên đầu hai người một tấm thổ cẩm mới dệt. Đôi vợ chồng trẻ trong tấm thổ cẩm phải chạm trán với nhau 7 cái. Quan niệm của người Mạ, đây là thể hiện “tâm đầu ý hợp” của đôi vợ chồng trẻ - nghi thức thiêng liêng, như lời thề thủy chung của đôi trai gái sẽ sống với nhau trọn đời, trước sự chứng kiến của thần linh, dòng họ và dân làng...

Sau nghi lễ chính, họ hàng, người thân, bạn bè của hai gia đình, của cô dâu, chú rể tặng quà cho đôi trẻ và chung vui với rượu cần, thịt trâu, thịt lợn nướng, các món ăn đặc trưng của người Mạ và nhảy múa, ca hát mừng cho đôi trẻ nên duyên.

Đức chung thủy trong đời sống hôn nhân của người Mạ được xem là quan trọng và danh giá nhất. Bởi vậy, việc bỏ nhau, ly hôn, nhất là ngoại tình đối với người Mạ được cho là việc xấu, sự xúc phạm lớn nhất. Hiện nay, trong hôn nhân người Mạ, vẫn tồn tại việc phạt tội ngoại tình. Người bị phạt phải đền: trâu, bò, chum, chóe, vòng bạc... cho làng, cho người bị phản bội!

Trong cuộc sống hiện đại, hôn nhân và đời sống chồng vợ của người Mạ gợi nhiều điều thú vị và khiến chúng ta cũng cần suy ngẫm...